Điểm danh hàng loạt địa phương “lạm dụng” bổ nhiệm người nhà
(Dân trí) - Báo cáo của Chính phủ thừa nhận công tác cán bộ còn những yếu kém, một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó, 9 địa phương có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà; nhiều sở, ngành bổ nhiệm thừa lãnh đạo.
Tinh giản biên chế trên 22.700 người
Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng nay (22/5) cho biết, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới quy chế làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Theo đó, đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về văn hóa công sở, cấm uống bia, rượu trong giờ hành chính; cấm dùng xe công đi lễ hội, việc riêng; cấm tặng quà lãnh đạo nhân dịp lễ, tết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Theo đó, kỷ luật, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt.
Tính đến ngày 1/4/2017, trên cơ sở đề nghị của bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giảm biên chế năm 2015, 2016 và đầu năm 2017 với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là trên 22.700 người. Mặc dù vậy, Chính phủ nhận xét, tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra.
Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác cán bộ còn những yếu kém, một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó, có 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng có 58 trường hợp là người nhà.
Bên cạnh đó, còn có 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm. Hiện lại tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng đang được kiểm tra, làm rõ.
Một số cơ quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có 8 Phó giám đốc; Sở Tài nguyên môi trường Bình Định có 6 Phó giám đốc Sở; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.
Sẽ xử nghiêm tiêu cực, lợi ích nhóm
Để khắc phục những yếu kém nói trên, Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu hoàn thiện mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, đề cao trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức.
Cơ quan điều hành cũng khẳng định sẽ tăng cường thanh tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, với việc thực hiện Nghị quyết số 35, đến nay, Chính phủ đã sửa đổi 50 nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa trên 4.500 thủ tục hành chính, xử lý 850/1.100 kiến nghị của doanh nghiệp.
Nhờ đó, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ 91/189 lên 82/190 quốc gia, vùng lãnh thổ). Chỉ số PMI trong tháng 3, tháng 4 đạt cao nhất 22 tháng và cao nhất khu vực ASEAN, thể hiện sức mua và năng lực sản xuất tăng ổn định, liên tục.
Thời gian tới, Chính phủ khẳng định sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, tiếp cận đất đai, các nguồn tài nguyên.
Đồng thời tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó yêu cầu không kiểm tra, thanh tra không quá 1 lần/năm.
Bích Diệp