1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Diêm dân đau đầu vì phải làm muối bằng nước ô nhiễm

(Dân trí) - Muối nhạt, chuyển màu xanh, đó là hậu quả của việc diêm dân xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu, Nghệ An) phải dùng nước ô nhiễm ở sông Bùng để làm muối.

Trời nắng như đổ lửa, 8 giờ sáng chúng tôi có mặt tại cánh đồng muối thuộc xóm Kim Liên, Bắc Liên và Nam Liên, xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu). Quan sát trên cánh đồng muối, chỉ thấy lác đác vài người đang múc nước từ những con mương đổ vào các khuôn để chuẩn bị sản xuất muối.


Diêm dân đau đầu vì phải làm muối bằng nước ô nhiễm - 1

Rác thải được người dân xã Diễn Bích đổ gần cánh đồng muối xã Diễn Kim, làm nguồn nước bị ô nhiễm... Chị Nguyễn Thị Hợi chỉ tay xuống những thửa muối chuẩn bị thu hoạch than vãn: Chất lượng muối kém vì nước làm muối ô nhiễm. (Ảnh: N.D)

Mặt mũi bơ phờ giữa cái nóng gần 40 độ C, chị Nguyễn Thị Thi, xóm Bắc Liên, xã Diễn Kim, than vãn: “Gần một năm nay tình hình sản xuất muối của chúng tôi gặp nhiều khó khăn bởi chất lượng muối thấp. Nguồn nước dẫn vào để bà con sản xuất muối là nước từ con sông Bùng. Gần 1 năm nay, nguồn nước sông này đang ô nhiễm nặng bởi một số doanh nghiệp của xã Diễn Bích (xã ở đầu nguồn sông Bùng-PV) đã xả nước thải xuống dòng sông, ảnh hưởng đến việc sản xuất muối của diêm dân xã chúng tôi.  Hiện hạt muối của bà con xã chúng tôi đang bị chê là muối bẩn và nhạt, cho nên đi bán cũng chỉ được 900-1.000 đồng/kg. Bao đời nay làm diêm dân, không ruộng nương, vườn tược, nếu bị xóa sổ làng muối thì bà con chúng tôi chết đói mất...”.


Diêm dân đau đầu vì phải làm muối bằng nước ô nhiễm - 2

Chị Nguyễn Thị Thi nhìn cánh đồng muối mà rầu lòng.

 

Theo thị sát của chúng tôi, điểm đầu dẫn nước vào cánh đồng muối của xã Diễn Kim bắt nguồn từ dòng sông Bùng. Hiện nguồn nước ở đây đang bị ô nhiễm bởi rác thải do người dân xã Diễn Bích xả một ách vô tội vạ. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp kinh doanh chế biến hải sản ở xã Diễn Bích cũng xả thẳng nguồn nước thải chưa qua xử lý xuống sông Bùng.

 

Trong khi đó, chính sông Bùng lại là nguồn nước chính để các diêm dân xã Diên Kim dùng làm muối hàng chục năm qua.


Diêm dân đau đầu vì phải làm muối bằng nước ô nhiễm - 3

Trên cánh đồng muối rộng hơn 35ha, 8 giờ sáng nhưng chỉ xuất hiện vài ba bóng người thưa thớt múc những gáo nước được cho là ô nhiễm để sản xuất muối (Ảnh: N.D)

 

Chị Nguyễn Thị Hợi, xóm Kim Liên, xã Diễn Kim, bức xúc bảo: “Các chú nhìn thì biết ngay, đồng muối của chúng tôi trước đây nhìn xuống là một màu trắng tinh như bông, nay nó đang nhuốm và chuyển sang màu xanh là do ô nhiễm nguồn nước từ một số doanh nghiệp của xã Diễn Bích ở phía thượng nguồn thải ra. Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị lên xã, nhưng đâu rồi cũng vào đấy chẳng thấy lãnh đạo xã Diễn Bích nói gì cả. Nếu còn tình trạng này thì nay mai chúng tôi chết đói mất….”.

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Thái Bình, PCT UBND xã Diễn Kim cũng bức xúc không kém: “Nhiều lần bà con các xóm Nam Liên, Kim Liên và Bắc Liên lên xã than vãn về tình trạng nói trên làm cho việc sản xuất muối bị ảnh hưởng. Lãnh đạo xã chúng tôi cũng đã yêu cầu và ngồi làm việc với xã Diễn Bích họ hứa sẽ nhắc nhở người dân và sẽ có biện pháp xử lý. Nhưng đâu rồi cũng vào đấy, rồi lâu lâu lại thấy người dân xã Diễn Bích đổ trộm rác thải ngay đầu nguồn nước dẫn vào cánh đồng muối của xã chúng tôi. Nhiều người dân xã chúng tôi bắt được và nhắc nhở, nhưng người dân xã Diễn Bích họ thách thức, thậm chí còn bắt nạt… Đến nước này, lãnh đạo xã chúng tôi phải nương nhờ vào báo chí thôi, chứ chúng tôi nói nhiều rồi mà họ chẳng nghe…”. 


Diêm dân đau đầu vì phải làm muối bằng nước ô nhiễm - 4

Nhiều xe muối bị vứt chỏng chơ, diêm dân không buồn cất. (Ảnh: N.D)

Được biết, cánh đồng muối của xã Diễn Kim từng nổi tiếng là nơi cho ra đời những hạt muối có độ tinh khiết cao, trắng, độ mặn phù hợp với người tiêu dùng. Mỗi ngày sản phẩm muối cung cấp ra thị trường trên 40 tấn và giải quyết cho gần 1.000 lao động địa phương. Đây cũng là cánh đồng muối lớn nhất của huyện Diễn Châu hiện nay.

 

 

Nguyễn Duy