1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Dịch vụ ôsin lên “cơn sốt”

(Dân trí) - Sau Tết, hàng loạt gia đình rơi vào cảnh khóc dở mếu dở vì người giúp việc về quê ăn Tết rồi nghỉ luôn. Câu chuyện người giúp việc trở nên “nóng”, thời sự hơn bao giờ hết. Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm đồng loạt tuyên bố: “Cháy” ôsin.

Ôsin đồng loạt bỏ việc

 

Gần một tuần nay, mọi sinh hoạt của gia đình chị Trần Lan Hương (ngõ số 2 Thái Hà, Hà Nội) đảo lộn vì thiếu bàn tay người giúp việc. Nhà cửa bấn loạn khiến hai vợ chồng thường có những vụ cãi cọ không đâu.

 

Chị Hương than thở: “Chị giúp việc nhà tôi hẹn mùng 4 Tết sẽ lên nhưng đến nay vẫn biệt tăm tích. Nhà đã năm lần bảy lượt gọi về tận quê của chị này nhưng hễ nghe thấy tiếng người nhà mình là bên kia lại dập máy. Trước khi nghỉ Tết, mình còn cho ôsin vài bộ đồ và tiền tàu xe về Tết để chiều lòng và hy vọng chị đúng hẹn. Vậy mà…”.

 

Chẳng phải chỉ mình gia đình chị Hương chịu cảnh “rối như tơ vò” khi ôsin đột ngột nghỉ việc ngay sau Tết. Thực tế, có rất nhiều lý do giải thích cho việc này: không hợp với chủ nhà, nhân tiện nghỉ Tết thì nghỉ làm luôn; ôsin trẻ nhớ nhà về không muốn đi nữa; có cô lại được trung tâm nào đó giới thiệu chỗ làm “ngon” hơn; có cô lên muộn vài hôm để “dằn mặt” chủ, hòng được tăng lương;…

 

Tóm lại, các gia đình khá giả đã quen dồn tất việc nhà cho người giúp việc nên bây giờ thiếu ôsin là lâm vào cảnh lúng túng, không thể điều hòa được cuộc sống của mình.

 

Như gia đình chị Vũ Dung (Cầu Giấy) có hai cháu nhỏ. Cháu lớn đã đi nhà trẻ, cháu nhỏ phải có người ở nhà bế ẵm hàng ngày. Vì cô bé giúp việc quá mải mê chơi Tết nên vợ chồng chị phải thay nhau xin nghỉ phép, ở nhà trông con. “Chắc có lẽ vài lần nói gần nói xa chuyện tăng lương nhưng không được nên con bé bỏ việc. Thôi thì nhà cửa, quần áo, không biết phải tả thế nào nữa. Đã mấy ngày nay huy động cả bên nội lẫn bên ngoại chạy vạy khắp nơi tìm người giúp việc theo giờ, thậm chí dán bảng quảng cáo trước cửa nhà “tìm người giúp việc, trả lương cao” nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm”.

 

Nhiều gia đình đã phải tìm đến các trung tâm môi giới việc làm, song cũng thường nhận được cái lắc đầu vì thời gian này, dịch vụ ôsin đang “vào mùa”, rất khan hiếm.

 

Ôsin khan hiếm, giá thuê “cắt cổ”

 

Anh Tuấn, một chủ trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Láng (Hà Nội) lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm thuê một người giúp việc, giá cả không thành vấn đề. “Anh chị thông cảm, sau Tết năm nào cũng vậy, mỗi ngày chúng tôi phải tiếp 15, 20 người đến tìm người giúp việc. Cầu cao nhưng cung lại giảm nên cũng chỉ đáp ứng được rất ít”.

 

Nhiều trung tâm nếu có “hàng” thì được thể hét giá rất cao, do biết nhu cầu bức bách của “khổ chủ”. Anh Phạm Hải Bình (Gia Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) ngao ngán: “Vào thời điểm trước Tết, phí dịch vụ tìm một người giúp việc tại các trung tâm thường dao động mức 180 - 200 nghìn đồng một người. Nay, riêng tiền đặt cọc mà nhà chủ phải chi đã là 100 nghìn. Chừng nào tìm được người, trung tâm sẽ thu thêm 200 nghìn nữa”. Bản thân người giúp việc do biết giá trị của mình nên cũng rất biết “làm giá”, nhiều gia chủ bí quá phải nghiến răng đồng ý.

 

Dịch vụ tìm người giúp việc lên “cơn sốt” cho thấy, những người làm thuê bây giờ ý thức rất rõ tầm quan trọng của mình đối với gia chủ nên rất chủ động trong nghề nghiệp của mình. Họ chủ đồng đòi tăng lương, đòi được hưởng sự đối đãi tử tế; chủ động tìm chỗ có điều kiện làm, sống tốt hơn;… Chỉ một số rất ít gắn bó với nhà chủ vì tình nghĩa, còn hầu hết đều thích thì làm, không thích thì đi.

 

Các dịch vụ giới thiệu việc làm hiện nay cũng chưa có quy định chặt chẽ về quyền lợi cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của người giúp việc và chủ nhà, mọi giao dịch về mối ràng buộc giữa hai bên chủ yếu qua “thoả thuận miệng”. Vì thế, nhiều chủ nhà đối xử với ôsin rất tệ, kiểu “mất tiền mua mâm bà đâm cho thủng”. Cũng có chủ nhà tốt lại gặp ôsin thiếu trách nhiệm, chán việc là “lặn mất tăm”.

 

Cùng với sự phát triển của xã hội, giúp việc nhà đang dần trở thành một trong những nghề rất phát triển, đòi hỏi có sự quản lý của cơ quan chức năng, để dịch vụ này không còn lên “cơn sốt” mỗi dịp đầu năm mới, tạo cơ hội trục lợi cho một số cá nhân.

 

Phúc Hưng - Thái Sơn