1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội

(Dân trí) - Đã nhiều năm rồi dịch sốt xuất huyết không bùng phát mạnh như năm nay. Tại các bệnh viện ở Hà Nội, ngổn ngang người sốt. Dịch đang chủ yếu tấn công vào các khu trọ của sinh viên, lao động ngoại tỉnh và thực sự bùng phát tại rất nhiều khu vực nội thành.

Nhiều sinh viên bỏ thi vì sốt 

 

Những ngày gần đây, hầu hết các bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận rất đông bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Bệnh viện Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) nằm trong vùng đông dân cư của quận Thanh Xuân, nơi tập trung nhiều trường ĐH, CĐ, là khu vực có nhiều nhà trọ, nên mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận điều trị gần 50 ca sốt xuất huyết; phần lớn trong số đó là sinh viên. 

 

Sáng sớm ngày 27/10, có mặt tại Bệnh viện Xây dựng, chúng tôi chứng kiến những hàng dài bệnh nhân và người nhà đang nằm ngồi la liệt, chờ được thăm khám. Một bác sĩ tại đây cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, các giường bệnh điều trị dịch bệnh của bệnh viện hầu như không còn chỗ trống”. Trước đó nhiều ngày, bệnh viện phải mở thêm phòng bệnh mới. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyến vẫn không ngừng tăng lên.

 

Em Phạm Thị Hoà, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học KHXH&NV đã nằm điều trị tại Bệnh viện Xây dựng được hơn một tuần nay. “Em là người cuối cùng ở xóm trọ phải đi viện vì bị sốt xuất huyết”, Hòa nói. Theo các bác sĩ, trường hợp của Hoà bị nặng do thời gian ủ bệnh lâu, phải truyền máu để điều trị, dự đoán khoảng 15 ngày mới được ra viện. Hòa cho biết em không những phải nghỉ học mà đã phải bỏ lỡ 2 môn thi.

 

Nằm ở giường bên cạnh là sinh viên Đào Thanh Hùng, quê Nam Định, đang theo học trường ĐH Thủy lợi và trọ tại khu Phùng Khoang, quận Thanh Xuân. Hùng mới nhập viện hôm qua, em cho biết chỉ trong vòng 1 tuần, cả dãy trọ hơn 20 sinh viên và cả bác chủ nhà cùng bị lây dịch sốt xuất huyết. 

 

Theo lời Hùng, khá nhiều bạn bè của em cũng có biểu hiện sốt cao, kéo dài. Các em thường nhập viện trong tình trạng bệnh nặng vì những ngày chớm bệnh lại nghĩ là cảm cúm, tự mua thuốc về điều trị.

 

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp trong khu ký túc xá Mễ Trì của trường KHXH&NV và trường ĐH Tự nhiên. Một trong những nguyên nhân gây bệnh là do môi trường sống tập trung, ẩm thấp, không được vệ sinh thường xuyên nên có nhiều ruồi muỗi và các loại côn trùng gây bệnh. Bên cạnh đó, ý thức chủ quan của phần đông sinh viên cũng là nguyên nhân chủ yếu giải thích cho sự bùng phát ngày càng dữ dội của dịch bệnh kể trên. 

 

Cả gia đình cùng bị sốt xuất huyết

 

Một vài biện pháp đơn giản để phòng bệnh SXH

 

- Hạn chế nước tù đọng quanh nhà (lọ hoa, săm lốp cũ, bể chứa nước…)

 

- Thường xuyên dùng kem chống muỗi.

 

- Mặc quần áo dài sáng màu, đi tất bảo vệ.

 

- Mắc màn có tẩm thuốc chống muỗi trước khi đi ngủ

 

- Sử dụng hoá chất xua muỗi, phun hoá chất diệt muỗi dạng sương mù.

 

Chú ý: Một số sản phẩm kem chống muỗi chống chỉ định đối với phụ nữ có thai và trẻ em. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Tốt nhất nên dùng kem chống muỗi dành riêng cho trẻ em để thoa hàng ngày cho trẻ.

Không chỉ sinh viên mà các khu nhà trọ tập trung đông người lao động ngoại tỉnh sống cũng trở thành nạn nhân của dịch sốt xuất huyết. Chị Trần Thị Xuân Thu, quê Thanh Hóa, là lao động tự do đang trọ tại khu vực Phùng Khoang, cho hay: “Xóm trọ của tôi có hơn 20 người thì đã có quá nửa phải vào nằm viện. Riêng gia đình tôi, cả nhà cùng dính bệnh”.

 

Gia đình anh Nguyễn Hoàng ở quận Thanh Xuân có 5 người thì cả 5 đều mắc sốt xuất huyết. Anh Hoàng là người cuối cùng trong gia đình phát bệnh và hiện vẫn đang phải nằm trong viện điều trị.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Nghị - PGĐ Bệnh viện Xây Dựng - cho biết, hàng năm cứ đến thời điểm này, bệnh sốt xuất huyết lại xuất hiện. Bệnh bắt đầu chớm xuất hiện từ đầu tháng 7 và đến nay thì đã bùng phát thành dịch lớn với số bệnh nhân ngày một tăng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40-50 bệnh nhân nhập viện. 

 

Cũng theo bác sĩ Nghị thì nguyên nhân chính khiến dịch bệnh này bùng phát là do ý thức cá nhân của người dân sống trong vùng dịch chưa cao; môi trường sống chưa vệ sinh, ẩm thấp,… cũng là địa bàn “lý tưởng” cho dịch bệnh hoành hành. 

 

Bác sĩ Nghị khuyến cáo: Thời điểm cuối mùa thu, rất nhiều ruồi muỗi sinh sôi nảy nở, người dân cần thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh môi trường quanh khu vực nhà ở. Với sinh viên thì khi học tập khuya cần chọn nơi cao ráo, sạch sẽ, tránh nơi muỗi trú ngụ… 

 

Hải Phong