Dịch bệnh "bùng phát", Chủ tịch Hà Nội trấn an dân không nên lo sợ cực đoan
(Dân trí) - Nhận định số ca mắc tăng nhanh đang ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, UBND TP Hà Nội đã ban hành công điện hỏa tốc trấn an người dân.
Theo đó, Công điện số 2/CD-UBND được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký, ban hành ngày 24/2 đề nghị, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định; hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi mắc Covid-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh "tâm lý chủ quan" hoặc "hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết".
Đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, UBND các quận, huyện, thị xã, Hà Nội yêu cầu chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thành phố cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nắm bắt các dấu hiệu nhận biết, quy trình, phương pháp điều trị tại nhà để chủ động, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng; tiếp tục rà soát để quản lý nhóm trẻ em trong độ tuổi 12-17; quản lý nhóm nguy cơ (người bệnh nền có nguy cơ cao, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine) và nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng trên địa bàn.
Đối với các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà nhất là địa bàn có mật độ dân cư cao, Hà Nội yêu cầu phải tăng cường hiệu quả hoạt động (đảm bảo nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện vật chất, lực lượng y tế…), kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh của ngành Y tế.
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản; vận động, tuyên truyền để các bậc phụ huynh khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiêm chủng cho trẻ em 5-12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine…
Đối với Sở Y tế, Hà Nội yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan sàng lọc, giải trình tự gene các ca mắc Covid-19; đánh giá mức độ lây nhiễm với các biến chủng mới của SARS-CoV-2 (Omicron) trên địa bàn trong thời gian qua; đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hà Nội cũng yêu cầu Sở y tế tích cực phối hợp các Bệnh viện Trung ương trên địa bàn, tổ chức phân tuyến, phân tầng, phân luồng điều trị, bố trí giường bệnh thu dung điều trị Covid-19 hỗ trợ cho thành phố; đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở điều trị người mắc Covid-19, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine.
Đối với Cục Quản lý thị trường thành phố, Công an thành phố, Cục thuế thành phố phối hợp các Sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức triển khai ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh dược, sản phẩm, dịch vụ test Covid-19; xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc trục lợi, tăng đột biến giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc theo quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như sức khỏe của cộng đồng, tránh gây bức xúc trong dư luận…