Đi tìm mộ của... chính mình
Gần 30 năm sau khi Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An đón nhận và cải táng hài cốt hàng trăm liệt sĩ, có một người đàn ông đến đây tìm mộ. Trong nghĩa trang ấy, có một ngôi mộ mang tên ông.
Sáng 22/7, Ban Quản trang của Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An tiếp hai người khách đến từ tỉnh Tiền Giang. Một người còn khá trẻ trực tiếp gặp gỡ các thành viên trong ban, người lớn tuổi hơn, tên là Bùi Minh Giám, đi thẳng vào các khu mộ. Những người trong Ban Quản trang rất ngạc nhiên khi nghe người trẻ tuổi cho biết ông Giám từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Long An, đang đi tìm mộ của... chính mình.
Ảnh chụp mộ liệt sĩ Bùi Minh Giám tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An (Ảnh do ông Bùi Minh Giám cung cấp)
“Liệt sĩ”... trở về
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Theo, Phó trưởng Ban Quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An, vẫn còn tỏ ra rất ngạc nhiên, kể: “Sau một lúc tìm kiếm ở các khu mộ, ông Giám đi vào văn phòng Ban Quản trang và nói “đúng, đúng là tên tôi trong bia mộ này rồi!”. Trong lúc mọi người còn ngỡ ngàng thì ông chìa ra tấm ảnh chụp ngôi mộ liệt sĩ tại lô 6 thuộc khu C, trên bia ghi rõ liệt sĩ tên Bùi Minh Giám và quê quán, cấp bậc, chức vụ, thời gian và không gian chiến đấu... Tất cả đều trùng khớp với thông tin về ông cách đây gần 40 năm.
Ông Giám cởi áo để mọi người nhìn thấy những vết thương chi chít trên bụng, đồng thời đưa ra các giấy tờ chứng minh ông từng là một chiến sĩ trong đoàn quân giải phóng miền Nam. Xong, ông đề nghị Ban Quản trang cho xem hồ sơ liệt sĩ Bùi Minh Giám để so sánh, đối chiếu...
“Có thể do nhầm lẫn”
Chúng tôi đến nhà riêng của ông Bùi Minh Giám ở đường Lý Thường Kiệt, phường 5, TP Mỹ Tho. Ông Giám cho biết năm 2008, trong một lần về quê ở xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, một người bạn ở đây đã tặng cho ông bức ảnh chụp tấm bia mộ ghi tên liệt sĩ Bùi Minh Giám nhưng không ghi chú được chụp ở đâu. Người tặng cho biết tấm ảnh được gửi qua đường bưu điện, không có thông tin nào gửi kèm, không ghi tên người gửi. Khi trở lại miền Nam, ông Giám đã đến nhiều nơi để tìm mộ nhưng không thấy. Đến tháng 7 vừa qua, bạn bè của ông từ miền Bắc báo tin tấm ảnh đó được chụp tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An.
Ông Giám kể về quá trình chiến đấu của mình: Vào tháng 1/1970, trong một trận chống càn tại xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, ông bị thương nặng, nhiều đồng đội của ông hy sinh. Ông Giám được đưa về trạm dân y huyện Tân Trụ để phẫu thuật. Sáng hôm sau, khi ông vừa hồi tỉnh thì địch mở trận càn mới, trạm dân y dã chiến của huyện Tân Trụ phải dời đi nơi khác. Ông Giám được đưa xuống một chiếc xuồng ba lá, trùm lá dừa nước lên thả trôi theo sông. Xuồng trôi được vài phút thì ông Giám bất tỉnh. Khi tỉnh lại, ông thấy mình nằm trong một nhà dân, được quân y chăm sóc, một thời gian sau họ rút đi, ông tiếp tục được dân quân địa phương điều trị, nuôi dưỡng.
Sang năm 1971, qua đường dây giao liên của tỉnh Long An, ông được đưa trở về Trung đoàn 320 đóng quân tại Ba Thu (tiếp giáp với biên giới Campuchia). Tại đây, ông trải qua cuộc phẫu thuật lần hai, điều trị nhiều tháng ròng rã mới bình phục hẳn. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm chính ủy Trung đoàn 3, Sư đoàn 8, Quân khu 9, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày 30/4/1975.
Năm 1980, ông xuất ngũ, về công tác tại Ty Thương binh - Liệt sĩ, nay là Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tiền Giang, rồi được điều về làm chủ tịch UBND, sau đó bí thư Đảng ủy phường 5, TP Mỹ Tho cho đến ngày nghỉ hưu. Ông Bùi Minh Giám đã được Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý, hiện là thương binh bậc 3/4.
Ông Giám lý giải rằng sở dĩ ông chưa hy sinh mà lại có tên trên một ngôi mộ liệt sĩ có thể là do đơn vị đã nhầm lẫn ông với một đồng đội.
Có một ông Bùi Minh Giám khác? Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của ông Bùi Minh Giám, ông Nguyễn Văn Ghim, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An, cho biết ngoài khả năng nhầm lẫn trong lúc quy tập hài cốt liệt sĩ, không loại trừ khả năng có một gia đình khác đang thờ cúng hương hồn liệt sĩ Bùi Minh Giám và được hưởng chính sách liệt sĩ của Nhà nước hoặc có một người khác cũng trùng tên Bùi Minh Giám, cũng ở xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, đã tham gia chiến đấu và hy sinh tại xã Quê Mỹ Thạnh, khiến cho ông Bùi Minh Giám hiện đang sống nhầm tưởng là mình.
Ông Ghim cho biết thêm ngay khi tiếp nhận thông tin “liệt sĩ” Bùi Minh Giám... còn sống, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An đã khẩn trương tiến hành xác minh để đề xuất Bộ LĐ-TB-XH hướng xử lý. |
Theo Hoàng Hùng - Minh Sơn
Người lao động