1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Di tích thành phế tích!

(Dân trí) - Xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) là địa danh từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến, như hang lèn Đại Hòa, Làng Còi - nơi thành lập Trung đoàn 18,... Những địa danh này đang dần bị quên lãng theo thời gian.

Địa danh lịch sử...

Vào những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp về xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi đây từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quân và dân Quảng Bình trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Đồng Hóa Trần Việt Hà dẫn chúng tôi đến hang lèn Đại Hòa, một địa danh lịch sử trong thời kỳ kháng chiến. Tại đây, vào ngày 6/1/1948 đã khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất. Đại hội có 56 Đại biểu, đại diện cho 983 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đã tổng kết thành tích, ưu, khuyết điểm trong một năm lãnh đạo kháng chiến, đồng thời đề ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, nhằm ổn định tình hình xây dựng cơ sở kháng chiến trong vùng địch hậu, biến hậu phương địch thành hậu phương ta, đưa phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh chuyển sang giai đoạn mới.

Những di tích lịch sử cách mạng bị lãng quên
Với địa thế hiểm trở nên trong chiến tranh, hang Đại Hòa là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng bộ 

Đại hội này là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển của Đảng bộ tỉnh sau này, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc trong quá trình lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Với địa hình hiểm trở, xung quanh là đồi núi đá vôi với nhiều quần thể hang động, kín đáo có thể tránh được bom đạn của kẻ thù. Hang cao khoảng 9 mét, rộng gần 3 mét, có 2 cửa có thể ra vào thuận tiện, lòng hang bằng phẳng, rộng khoảng 50 m2 vào trong hang không khí mát lạnh dễ chịu.

Trong thời kỳ chiến tranh, hang Đại Hòa từng diễn ra các cuộc họp quan trọng của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, đồng thời là nơi cất dấu lương thực, vũ khí, trú ẩn an toàn cho bộ đội và người dân. Chính nhờ có vị trí hết sức thuận lợi nên quân và dân Quảng Bình đã đứng vững và trưởng thành trong chiến tranh, tránh được những tổn thất không đáng có, có thời gian củng cố và tăng cường tiềm lực quân sự để góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Hai cửa ở hang Đại Hòa giúp cho việc ra vào cất dấu lương thực, vũ khí và trú ẩn an toàn
Hai cửa ở hang Đại Hòa giúp cho việc ra vào cất dấu lương thực, vũ khí và trú ẩn an toàn 

Để ghi nhớ một sự kiện lịch sử trọng đại ấy, ngày 29/4/2002, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định công nhận Hang Lèn Đại Hòa là Di tích lịch sử cách mạng. Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua, Hang Lèn Đại Hòa mãi là nơi ghi dấu lịch sử, nơi khởi đầu cho sự phát triển và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc và giai đoạn đổi mới sau này.

Cách hang Đại Hòa không xa là Làng Còi - nơi thành lập Trung đoàn 18, đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên của Quảng Bình vào ngày 24/4/1949. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung đoàn đã có sự trưởng thành vượt bậc, tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường và lập được nhiều chiến công hiển hách như chiến thắng Xuân Bồ (năm 1950), chiến thắng Hồ Chí Minh lịch sử (năm 1975). Năm 2010, nơi này được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng.

... bị lãng quên!

Qua thời gian, những địa danh vang bóng  một thời trong chiến tranh dù được công nhận là di tích lịch sử cách mạng nhưng đang dần bị lãng quên trong tâm trí của nhiều người, bởi sự thiếu quan tâm của các cấp ban ngành.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Đồng Hóa, băn khoăn: Dù được công nhận là địa danh lịch sử nhưng hiện nay những khu di tích này lại ít ai biết tới. Để nâng cao giá trị lịch sử ở những di tích này, chúng ta cần có phương pháp thích hợp trong việc khôi phục, bảo tồn di tích. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông nhằm giáo dục thế hệ trẻ có thể hiểu thêm về quá khứ hào hùng của quân và dân trong kháng chiến đã làm nên chiến thắng góp phần giữ gìn hòa bình cho muôn đời sau.

Cửa hang bị che kín, cỏ mọc um tùm chắn hết lối vào
Cửa hang bị che kín, cỏ mọc um tùm chắn hết lối vào

Một thực tế đáng buồn đối với các di tích lịch sử nổi tiếng nói trên là trên đường chúng tôi không hề thấy tấm biển nào chỉ dẫn vào khu di tích. Phía trước Lèn Đại Hòa là tấm bia có ghi "Di tích lịch sử cách mạng Hang Lèn Đại Hòa" cao hơn 2m, nhưng cũng rất khó để nhận biết được lối vào hang nếu không có người chỉ dẫn. Cách tấm bia chừng 5m, có một lối nhỏ dẫn vào hang bị cây cối che kín. Bên trong hang Đại Hòa bây giờ là nơi trú ẩn của các loài dơi.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Đồng Hóa cho biết, vào các ngày lễ, các tổ chức đoàn thể, học sinh trên địa bàn có vào tham quan, tìm hiểu, vệ sinh môi trường quanh khu vực di tích, nhưng do không có kế hoạch bảo vệ cụ thể nên việc làm này cũng không thể duy trì thường xuyên. Năm 2006, di tích này mới được khôi phục, dựng văn bia cho đến nay, và địa danh này cũng chẳng ai biết đến.

Về Làng Còi - nơi thành lập Trung đoàn 18, đơn vị bộ đội chủ lực đã lập nên nhiều chiến thắng lẫy lừng trong chiến tranh. Thế nhưng, bây giờ di tích chỉ là tấm bia đá trơ trọi nằm giữa một cánh đồng rộng, bên cạnh là đồi núi. Điều đáng nói, quanh khu di tích này là nơi chăn thả trâu bò của người dân nhưng lại không được xây dựng hàng rào bảo vệ. Hơn nữa, trên tấm bia trẻ em có thể ký họa với đủ ngôn ngữ rất phản cảm!

Di tích lịch sử - nơi thành lập Trung đoàn 18 chỉ là tấm bia đá trơ trọi giữa cánh đồng
Di tích lịch sử - nơi thành lập Trung đoàn 18 chỉ là tấm bia đá trơ trọi giữa cánh đồng 

Từ những địa danh được đánh giá là di tích lịch sử cách mạng mang tầm vóc lịch sử, quân sự, văn hóa, nghệ thuật,... đặc biệt quan trọng nhưng dường như chúng đang dần bị quên lãng theo thời gian. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan ban ngành liên quan cần sớm đưa ra những phương sách kịp thời để bảo tồn cũng như nâng cao giá trị lịch sử những khu di tích này vào tiềm thức trong mỗi người dân.

Đăng Đức - Đặng Tài