1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Họp HĐND tỉnh Bạc Liêu:

Di tích quốc gia nhưng quản lý "chưa ngon"!

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - "Có ngôi mộ trong khu di tích quốc gia Điểm nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi, hỏi bộ phận quản lý mộ của ông Trần Kim Túc (nhân vật chính của sự kiện lịch sử) nằm ở đâu mà không ai trả lời được".

Đó là băn khoăn của đại biểu Trần Thị Huỳnh Dao, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bạc Liêu trong công tác quản lý di tích của ngành văn hóa, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh này ngày 12/7.

Theo bà Huỳnh Dao, thời gian qua có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn sau khi được xếp hạng đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, sửa chữa kịp thời.

Di tích quốc gia nhưng quản lý chưa ngon! - 1

Bà Trần Thị Huỳnh Dao có những chất vấn sâu sát đối với ngành văn hóa của tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: CTV).

Trả lời đại biểu, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh có 55 di tích được xếp hạng gồm một di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh.

Những phản ánh mà đại biểu Huỳnh Dao đưa ra, theo bà Lan Phương, nguyên nhân do tỉnh nằm trong vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu, trong khi nhiều di tích xây dựng cách đây cả trăm năm nên xuống cấp nhanh; kinh phí tu bổ khá lớn nhưng tỉnh còn khó khăn.

"Trình tự thủ tục tu bổ còn phức tạp, có di tích phải xin ý kiến bộ, ngành trung ương; cán bộ quản lý di tích còn thiếu; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ cho khách đến tham quan,…", bà Lan Phương cho hay.

Đại biểu Trần Thị Huỳnh Dao cơ bản đồng tình với phần trả lời của Giám đốc Sở VH-TT&DL, nhưng có một số điểm đại biểu vẫn chưa thống nhất. Ngay tại hội trường, bà Huỳnh Dao đã cho trình chiếu một số hình ảnh cụ thể để nói lên bất cập của di tích.

Di tích quốc gia nhưng quản lý chưa ngon! - 2

Đại biểu Huỳnh Dao cho trình chiếu trực tiếp tại hội trường một số hình ảnh về sự bất cập của di tích (Ảnh: CTV).

Công tác tu bổ, sửa chữa di tích như trả lời của giám đốc sở là có nhưng theo bà Huỳnh Dao, việc này chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu Huỳnh Dao nêu quan điểm, đối với các sửa chữa nhỏ như đường hư hỏng, các ngôi mộ bị bong tróc,… thì không đến mức đầu tư lớn và cần xin ý kiến.

Chẳng hạn như di tích quốc gia Điểm nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927 ở huyện Hồng Dân được đầu tư 3 năm trước, bà Huỳnh Dao cho biết ngay cả cổng để tên khu di tích cũng chưa đúng theo quyết định. Một số ngôi mộ trong khu di tích không có tên, nếu người dân vào đây không nghe ai giới thiệu thì chắc không biết gì.

"Thậm chí khi chúng tôi hỏi bộ phận quản lý di tích mộ nào của ông Trần Kim Túc (nhân vật chính của sự kiện lịch sử) nằm ở đâu trong các ngôi mộ này thì không ai trả lời được", đại biểu Huỳnh Dao băn khoăn và đặt vấn đề với ngành văn hóa việc quản lý đã qua là như thế nào.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Thị Lan Phương nhận trách nhiệm chưa sâu sát, kiểm tra chặt chẽ di tích đối với cấp huyện.

Di tích quốc gia nhưng quản lý chưa ngon! - 3

Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương (Ảnh: CTV).

Theo bà Lan Phương, khu di tích Ninh Thạnh Lợi được công nhận quốc gia, sở thấy trách nhiệm nặng nề hơn. Sau khi được giao cho sở quản lý, sở đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát đầu tư 15 tỷ đồng… tu bổ, sửa chữa lại di tích.

"Thời gian tới sở sẽ phối hợp chặt chẽ, phân cấp với các địa phương để quản lý các di tích được tốt hơn", bà Lan Phương nói.

Nêu thêm vấn đề, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng thời gian qua ngành văn hóa tham mưu việc quản lý các di tích cho UBND tỉnh "chưa ngon".

Theo ông Hùng, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, không thể khắc phục các di tích cùng một lúc. Do đó, ông yêu cầu sở hằng năm phải khảo sát, để có kế hoạch cụ thể sửa chữa cái nào trước, cái nào sau.

"Cái nào cũng nói khó, mà khó thì phải quyết làm chứ không thể bó tay", ông Hùng quyết liệt.