1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng dự án thủy điện

(Dân trí) - Việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đang là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi các cấp, các ngành và các nhà máy thủy điện sớm triển khai thực hiện… Ảnh hưởng của bão Mangkhut và có thể là những con bão tiếp theo sẽ càng dồn thêm áp lực đối với người dân vùng ảnh hưởng của dự án thủy điện.

Nằm dưới cốt ngập của thủy điện Khe Bố, song do không được bồi thường, di dời tái định cư nên 5 hộ dân bản Cửa Rào, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương buộc phải sống chung với lũ.
Nằm dưới cốt ngập của thủy điện Khe Bố, song do không được bồi thường, di dời tái định cư nên 5 hộ dân bản Cửa Rào, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương buộc phải sống chung với lũ.

Không chỉ đất đai, nhà cửa cùng nhiều tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước mà ngay cả tính mạng của người dân cũng bị đe dọa. Đây là thực tế mà nhiều hộ dân chịu tác động từ các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đang hàng ngày phải đối mặt.

Theo ghi nhận của PV, chỉ sau một đêm, tình trạng sụt lún đã khiến cả gia đình gia đình anh Vi Xuân Hải, ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Trong lần xã lũ trước, nhà anh Hải đã sạt lở một phần, đợt này, thủy điện xả to quá nên nhà đã bị sụp luôn.

Anh Hải cho biết, giờ gia đình anh muốn đi cũng không đi được, vì không có tiền di dời. Anh cũng lo đến tính mạng của cả gia đình khi không còn cách thoát thân.

121 hộ dân ở huyện Tương Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những đợt xả lũ của nhà máy thủy điện.
121 hộ dân ở huyện Tương Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những đợt xả lũ của nhà máy thủy điện.

Cùng chung cảnh ngộ, tại bản Xiêng Hương, hàng chục gia đình khác đang đứng trước nguy cơ mất chỗ ở, thậm chí là tính mạng bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở, mà nguyên nhân được cho là ảnh hưởng từ các công trình thủy điện.

Trong đợt lũ ngày 31/8 vừa qua, dù nằm dưới cốt ngập của thủy điện Khe Bố, song do không được bồi thường, di dời tái định cư nên 5 hộ dân buộc phải sống chung với lũ.

Ông Phạm Văn Thân, bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng cho biết: “Một tháng vừa qua mưa lũ hoành hành ở mảnh đất chúng tôi cả nước này biết đó nhà báo ơi. Một tháng mà hai lần hứng chịu lũ lụt gây nước ngập 2 lần, đồ đạc phải đưa gửi trên hội quán. Nhà cửa của chúng tôi luôn bị đe dọa, rất nguy hiểm. Không biết đợt mưa lũ lần này do cơn bão Mangkhut đến đâu nữa, nhưng rất lo lắng”.

Mưa lũ do bão số 4 và việc xã lũ của các nhà máy thủy điện đợt cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề cho huyện Tương Dương với tổng thiệt hại ước tính khoảng 31 tỷ đồng. Hiện 121 hộ gia đình buộc phải di dời khẩn cấp do nhà bị sạt lở, bị cuốn trôi hoặc ngập sâu trong nước.

Để đảm bảo an toàn cho bà con nằm trong vùng nguy hiểm của vùng hạ du, vùng dễ gây ngập lụt tránh những thiệt hại không đáng có, trước mắt, huyện Tương Dương đã trích 2,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình bị mất nhà cửa làm nơi ở tạm.

Về phía nhà máy thủy điện Khe Bố, theo ông Đỗ Văn Mạnh - Phó giám đốc nhà máy thì những hộ nào bị ảnh hưởng do công trình thủy điện Khe Bố, nhà máy đền bù, hỗ trợ di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nói với báo chí, ông Vi Mỹ Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng, thủy điện không nên đổ lỗi cho thiên tai. Trên thực tế các đợt lũ vừa rồi, những ảnh hưởng đối với người dân do thủy điện xả lũ đã thấy rõ.

Do vậy, các nhà máy thủy điện cần có kế hoạch di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng, kể cả là tái định cư lần thứ 2, thứ 3 để người dân được thực sự an toàn tại nơi tái định cư.

Mất đất, mất tài sản khiến cho hàng trăm hộ dân nằm trong vùng tác động của các dự án thủy điện rơi vào cảnh cơ cực, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đang là nhiệm vụ cấp bách.

Đức Duy