1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Di dân khỏi “khu nhà chết” trong tháng 10

Sau rất nhiều cuộc họp, cuối tuần qua, việc di dân khỏi chung cư tối nguy hiểm B6 Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) lại được mang ra... họp và “may mắn” đã có kết quả khả quan: Sẽ kiên quyết di dân khỏi “khu nhà chết” này đúng luật và cưỡng chế những người chống đối trong tháng 10/2007.

Đây thực sự là tin vui đối với những cư dân B6 Giảng Võ suốt thời gian dài vừa qua đã phải “sống chung với hiểm nguy”, phải “đội đơn” đến khắp các cơ quan, ban, ngành, tòa báo khẩn thiết xin được di dời. Trên thực tế, lẽ ra, việc di dời này đã phải “thực hiện ngay” từ cách đây gần 10 tháng theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

 

Trao đổi với Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Văn Chanh - Trưởng Ban Chỉ đạo di dời dân và xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ - về “chiến dịch” di dời dân khỏi nhà nguy hiểm lần này, ông cho biết: “Ngoài B6 là chung cư đã được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ XD) kết luận “tối nguy hiểm”, khu Giảng Võ nói riêng, địa bàn quận Ba Đình nói chung còn rất nhiều chung cư nguy hiểm, cũ nát khác. Vì ở chung nên nguyện vọng người dân trong cùng khu tập thể luôn khác nhau, người muốn ở, kẻ mong đi… và nói chung rất khó thực hiện.

 

Chúng tôi đã báo cáo điều này với UBND TP Hà Nội và gần đây nhất, thành phố đã chủ trương áp dụng biện pháp “di dời khẩn cấp trong tình huống cứu hộ, cứu nạn”. Với nhà nguy hiểm, cần thực hiện theo Điều 83 Luật Nhà ở - “di dời khẩn cấp, quyết định tháo dỡ không chờ đồng thuận” vì mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng người dân cả trong lẫn ngoài khu nhà.

 

Hiện, chúng tôi đã tìm được quỹ nhà tạm cư, đang chờ quyết định của thành phố để tổ chức di dời trong tháng 10/2007”.

 

Đây quả là tin mừng đối với rất nhiều cư dân B6 đang khẩn thiết mong được chuyển khỏi “cái bẫy” không biết bao giờ sập này, song cũng không loại trừ khả năng sẽ có một số người chống đối đến cùng như đã từng phản đối…

 

Đứng trước vấn đề giải phóng mặt bằng nhà B6 Giảng Võ, chúng tôi cũng tiên lượng có thể có một số cá nhân vì lợi ích cục bộ hoặc bị kích động chống đối nên đã chuẩn bị nhiều biện pháp dứt khoát. Với các cán bộ, đảng viên không chấp hành, sẽ xem xét kỷ luật Đảng. Với người dân, nếu chưa rõ sẽ tuyên truyền, vận động cho họ rõ. Với những người cố tình cản trở, chống đối, sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.

 

Vừa qua, đối với các trường hợp xây nhà sai phép - không phép, để cương quyết xử lý, chính quyền thậm chí đã cắt điện, cắt nước tại các công trình này… Vậy, biện pháp cưỡng chế cụ thể có tính khẩn cấp áp dụng cho nhà nguy hiểm là gì, thưa ông?

 

Bằng kinh nghiệm chung, khi tổ chức cưỡng chế sẽ phải tính đến nhiều giải pháp: an ninh, phòng cháy chữa cháy, điện, nước, giao thông… Trong trường hợp cụ thể này, chính quyền sẽ phải họp bàn kỹ để lựa chọn phương án phù hợp, giữ vững kỷ cương phép nước. Tinh thần chung là phải khẩn cấp di dời. Đang mùa mưa bão như bây giờ, cả chính quyền và đông đảo người dân tại khu nhà đó đều rất lo. Đó là chưa kể những thiên tai khác, như động đất bất chợt chẳng hạn…

 

Việc vận động người dân sẽ không hiệu quả nếu không nắm được cốt lõi vấn đề. Dư luận cho rằng, sự chống đối của số ít cư dân B6 không phải do thiếu ý thức về sự hiểm nguy, mà do bị kích động bởi sự cạnh tranh không lành mạnh của một doanh nghiệp không được chính thức giao nghiên cứu dự án. Dân B6 đã bức xúc tố cáo với báo chí rằng liên tục nhận được “truyền đơn” photocopy có dấu, chữ ký của lãnh đạo Công ty Mefrimex tự nhận là chủ đầu tư, tự tuyên truyền mức bồi thường, hỗ trợ không tuân thủ qui định của Nhà nước và Thành phố - ông có biết việc này?

 

Tôi đã nắm được việc có doanh nghiệp hành xử chưa phù hợp qui định này qua báo chí và báo cáo của UBND phường Giảng Võ. Tôi khẳng định đến giờ này tôi và tất cả các đồng chí lãnh đạo quận đều chưa nhận được bất kỳ tài liệu nào liên quan đến việc Mefrimex làm chủ đầu tư dự án này, thành phố cũng chưa hề có văn bản nào gửi chúng tôi thông báo việc có mặt Mefrimex trong dự án B6 Giảng Võ.

 

Một nhà đầu tư muốn chính thức tham gia nghiên cứu dự án, khảo sát khu vực dân cư nào phải được sự cho phép, chấp thuận của các cấp chính quyền, chứ không thể tùy tiện “nhảy” vào, đưa ra những cơ chế làm cho người dân hiểu nhầm, không theo khung chung, cũng không tham khảo qui chế sắp ban hành của UBND TP (hiện đang công khai lấy ý kiến), làm rối loạn tình hình.

 

Chúng tôi rất cảm ơn báo chí và nhân dân đã thông tin kịp thời việc này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập hợp các kênh thông tin lại để làm rõ, xử lý các đơn vị, cá nhân nào có ý đồ gây rối, cản trở mục tiêu lớn nhất trong lúc này là: di dời khẩn cấp các hộ dân.

 

Xin cám ơn ông!

 

Theo Tràng An Nguyễn

VietNamnet