1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đi “chợ đồ chôm” ở Hải Phòng

(Dân trí) - Ở Hải Phòng, những tay sành sỏi không ai không biết đến khu vực chợ đường tàu trên phố Cát Cụt, quận Lê Chân. Từ nhiều năm nay, khu vực này được biết đến như một “trung tâm thương mại đen” liên hoàn, với các dịch vụ chỉ nghe qua đã thấy sởn da gà: cầm đồ, ghi đề và bán hàng ăn cắp.

Trung tâm đồ hiệu thế giới

 

Gọi là chợ, nhưng khu vực này chỉ có khoảng hơn chục cửa hàng nhìn  ra đường tàu hoả. Tất cả đều kinh doanh cùng một loại hàng thời trang, mỹ phẩm. Cửa hàng nào cũng ngồn ngộn các loại giày dép, quần áo, mũ, kính, và cả nước hoa. Hàng ở đây có nét đặc biệt: chủ yếu là đồ ăn cắp và “độc”, khiến khu vực này giống như một trung tâm đồ hiệu thế giới.

 

Thành là một tay khá bợm ở đất Cảng, ăn mặc cũng tương đối “chất”. Quần áo giày dép “vũ trang” trên người, tính ra lúc nào cũng trị giá ngót nghét hai triệu. Thỉnh thoảng Thành lại đảo qua khu chợ đường tàu để tìm hàng độc, khi là đôi dép, lúc là cái bật lửa, cái thắt lưng da... Thành quả quyết: “Có những thứ chỉ kiếm được ở đó thôi”.

 

Trước khi đưa tôi vào chợ đường tàu, Thành giao hẹn: “Mày thích ngó nghiêng hỏi han gì thì tuỳ, nhưng không được chụp ảnh đâu đấy. Nó mà phát hiện ra thì không khéo lại sứt đầu mẻ trán”. Theo lời Thành thì khách đến giao dịch ở đây đa phần toàn phường lô đề cờ bạc, ăn cắp móc túi, trong đó có rất nhiều kẻ nghiện ngập. Đi dạo chợ thì ví tiền và điện thoại cần cất kỹ vì chỉ sơ hở là mất. “Dạo trước cũng có mấy thằng phóng viên đến chụp ảnh, bọn chủ hàng xua lũ nghiện ra đuổi cho chạy te tái. Nhớ đừng chụp ảnh, dễ bị sinh sự gây phiền hà”, Thành nhắc đi nhắc lại, tôi đành giấu biến chiếc máy ảnh vào túi.

 

Chúng tôi gửi xe máy tại nhà người quen trên phố Cát Cụt và đi bộ vào chợ đường tàu. Thật vậy, ở đây bày bán vô thiên lủng các loại hàng hóa thời trang, đủ các nhãn hiệu từ vô danh đến danh tiếng nhất thế giới. Quần áo, đồng hồ, kính mắt, giày dép, ví da... có sự góp mặt của đủ các hãng tiếng tăm, nào là Tommy Hilfiger, DKNY,  Espirit, Gucci, Lacoste, rồi thì HugoBoss, CK, D&G... Riêng nước hoa thì tủ kính nhà nào cũng bày toàn những Chanel, Tommy, Gucci, Lancôme, Rose,... toàn tên tuổi danh tiếng.

 

Vàng thau lẫn lộn

 

Thấy tôi trố mắt ngắm nghía, Thành cười hềnh hệch: “Đồ đểu hết đấy mày ạ, ở đây mà lớ ngớ là bị “thịt”, “ăn đòn” ngay. Phương châm khi mua hàng ở đây là “nhìn trăm, chọn mười, mua một”. Mày cứ theo tao đi tiếp, còn nhiều cái hay lắm”.

 

Quả thật, chỉ cần để ý kỹ sẽ thấy ở đây hàng hóa thứ gì cũng vàng thau lẫn lộn, thật giả đánh đồng. Vì người mua hàng luôn có tâm lý mua lại đồ ăn cắp sẽ được hàng xịn nên người bán trộn đồ chợ vào. Người tới kẻ lui nhộn nhạo, gặp khách kiểu gì chủ bán kiểu đó. Trong các tủ giày, bên cạnh những đôi đã rách da, sắp há mõm, sờn chỉ lại có nhiều đôi vẫn láng coóng, mới tinh. Quần áo cũng thế, mới cũ lẫn lộn, nhưng đều có một điểm chung là gắn mác hiệu, không D&G thì chí ít cũng phải Nice, Adidas, Fila...

 

Nực cười nhất là các tủ đồng hồ và nước hoa. Những chai nước hoa ở các trung tâm mua sắm có giá tới một vài triệu thì ở đây chỉ khoảng hơn trăm nghìn. Hỏi sao rẻ thế, người bán lập lờ: đó là hàng ăn cắp, mua sao bán vậy. Những chiếc đồng hồ hiệu Rolex, Longines, Tissot, BVLgari... vẫn gắn với cái giá hàng nghìn đô, thì ở đây có thể mua được với vài trăm nghìn đồng. Hỏi, người bán trả lời hời hợt chẳng giấu diếm: đồ Trung Quốc.

 

Để mua được một món hàng “chất” ở đây, người mua phải “biết người biết ta”. Những thứ là hàng hiệu thực sự giá không rẻ chút nào. Một đôi giày “đốc” khá cũ cũng có giá tới năm bảy trăm nghìn. Cặp kính Rayban đã ố gọng có giá bán gần triệu bạc. Chiếc bật lửa Zippo trông móp méo, người bán cũng “quát” tận năm trăm. Thế nhưng theo Thành, nếu khéo chọn và biết trả giá thì chỉ cần mang một triệu vào “trung tâm” mua sắm, bạn có thể đi ra với toàn hàng hiệu trên người.

 

Huyên náo chợ chiều

 

 

Đi “chợ đồ chôm” ở Hải Phòng - 1
 

Nước hoa "hiệu" chủ yếu là hàng nhái

 

 

Chúng tôi nấn ná ở chợ đường tàu cho đến nhập nhoạng tối, thời điểm chợ huyên náo nhất. Khách khứa vào các shop ào ào, hỏi han trao đổi náo động cả một khu phố. Người vội vào cầm đồ để kịp có tiền đánh đề, chơi lô, kẻ vào nhổ đồ mới cắm mấy hôm trước. Đông nhất vẫn là lượng người dạo tìm mua đồ.

 

Hai bên đường tàu, những bóng người xiêu vẹo bước đi như những thây ma. Kim tiêm vứt lăn lóc dưới đường tàu. Một tay chơi mặc chiếc áo phông màu nõn chuối vẻ sành đời, tóc nhuộm dở vàng dở trắng, tai bấm mấy lỗ khuyên, nước da mai mái chỉ nhìn thoáng đã biết là dân hút hít, xách vào cửa hàng ngay đầu phố một đôi giày hiệu “con gà”, giọng trịch thượng: “Chị xem vút chỉ được bao nhiêu? Giày mới đấy!”. Chủ hàng “phán”: “Ba trăm!”. “Không, bảy trăm!”, tay chơi nhăn nhó. Chủ hàng lắc đầu dè bỉu: “Thế đem về mà dùng, chưa đi cắm bao giờ à?”. Cuối cùng cuộc định giá cũng ngã ngũ, đôi giày được cầm với giá 400 nghìn. Thành thầm thì vào tai tôi: “Đôi này hàng châu Âu, rẻ nhất là hơn một triệu đấy! Nó mà bán đứt với giá vài trăm thì tao cũng mua”.

 

Tôi quan sát, ở đây nhà nào cũng có một chiếc giỏ nhựa nhỏ, bên trong để tích-kê cắt ra từ vỏ bao thuốc lá cho khách cầm đồ. Khách tới cầm đồ, chủ hàng sẽ trao tích-kê có chữ ký, chớp nhoáng, nhanh gọn.

 

Đang ồn ào bỗng tàu xuỳnh xuỵch đi qua. Tiếng bánh tàu rít trên đường ray ken két lấn át mớ âm thanh hỗn độn của người bán, kẻ mua. Mọi giao dịch tạm ngừng trong giây lát. Tiếng tàu dứt, tiếng mua bán, chửi bới lại huyên náo, ồn ào trở lại. Người đến kẻ đi tấp nập như thoi đưa.

 

Khu chợ này đã hình thành và phát triển từ hàng chục năm nay, từ khi Thành còn là một đứa trẻ, chưa biết “mùi đời”. Đến nay, Thành đã “nhẵn mặt” ở đây. Thấy Thành đi cùng kẻ lạ mặt là tôi, chủ hàng nào cũng tò mò “săm soi”.

 

Vào một cửa hàng khá “hoành tráng”, cố tạo vẻ mặt lấm lét của một kẻ vừa “nhảy đồ”, tôi rút chiếc ví Gucci còn mới - quà tặng của người bạn từ nước ngoài - nói muốn bán. Gã chủ hàng cổ đỏ như tôm luộc, đeo dây chuyền vàng to như sợi xích, hấp háy mắt: “Bán bao nhiêu?” – “Tám trăm”, tôi thận trọng. “Năm trăm nhá, hàng này bán khó lắm! Mua thế là hết giá rồi đấy”. Tôi không chịu, chủ hàng chửi đổng, rồi quay sang hậm hực với mấy gã đang thử áo phông ném vào tôi những cái nhìn soi mói, khinh bỉ: “Mẹ nó, anh phải mua rẻ thì mới bán rẻ được chứ. Đồ ăn cắp mà cứ làm bộ làm tịch”.

 

***

 

Lang thang một hồi lâu, lần mò trong các shop bán đồ ăn cắp, tôi cũng tầm được một đôi giày khá bảnh. Nhưng mua xong, tôi cứ lo ngay ngáy, rằng ra đường lỡ có ai túm cổ đòi lại giày thì dở mếu dở cười, không biết sẽ phải làm thế nào. Chỉ nghĩ đến đó tôi đã đủ rùng mình, rốt cuộc phải đem cho tống tháo đôi giày ăn cắp - của đáng tội - vẫn còn rất mới.

 

Lê Bảo Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm