Đi ăn côn trùng
(Dân trí) - Chỉ cần nhắc đến bọ xít, sâu tằm, bọ cạp... là nhiều người đã sởn gai ốc, chứ chưa nói gì đến việc thưởng thức các thứ côn trùng này như một món ẩm thực. Vì thế phải mất tới vài ngày thuyết phục, tôi mới tập hợp được một nhóm bạn cùng lên đường “ăn chơi”...
Béo như... sâu!
Bỏ ra vài ngày hỏi han, chúng tôi được cung cấp một địa chỉ khá vu vơ: gần trường Đại học Y Hà Nội. Khi đến khu vực này, phải hỏi tiếp rồi lần theo con đường nhỏ xíu chạy dọc con mương, quặt vào giữa làng Khương Thượng.
Quán côn trùng không chỉ dẫn, không biển, không tên, chỉ treo bên ngoài vài chiếc lồng chim trống không. Ca thán điều này với chủ quán Nguyễn Tất Kiên, anh chỉ cười “hì”: “Lúc đầu, mở quán chỉ vì cái thú thích chơi bời, đãi bạn bè nên chẳng muốn làm rầm rộ... Nhưng rồi tiếng ngon cứ chậm rãi đồn đi, nhiều khách tìm đến. Họ cứ vào làng rồi thể nào cũng dò dẫm được quán”. Dứt lời, ông chủ dẫn chúng tôi vào một phòng rộng rãi, lắp điều hoà như những quán ăn sang trọng nhất Hà Thành. Liếc xung quanh căn phòng, có khoảng 4-5 bàn ăn đã ngồi kín chỗ, đang rôm rả về đủ thứ chuyện trên đời và dĩ nhiên cả chuyện ăn “sâu bọ”.
Đã yên vị chỗ ngồi, chúng tôi gọi liền một mạch những “mĩ vị”: châu chấu, dế mèn, nhái, sâu tằm, bọ xít…Chưa kịp sốt ruột thì phần lớn những món vừa hô đã được người phục vụ mang tới. Những con châu chấu bày trên đĩa được vặt cánh, để nguyên đầu, chân, sao lên... vàng ươm. Dế mèn mũm mĩm, bóng nhậy... Không có trở ngại đáng kể nào để cánh nam giới nhập cuộc với những món ăn hiếm có này.
Nhưng với phái nữ thì “vạn sự khởi đầu nan”. Dù được chuẩn bị tâm lí khá kĩ lưỡng nhưng khi các món ăn xuất lộ, cô bạn ngồi bên cạnh vẫn kêu “oái” rồi quay mặt đi như ân hận với quyết định đã đặt chân đến đây. Những người vững tin hơn cũng chỉ dám tung ra những cái nhìn... dè dặt. Có lẽ sự tự tin trong ăn uống thường ngày của họ đã biến mất.
Có cô tay giơ giơ đũa mà mắt nhìn đi hướng khác hoặc dứ dứ chiếc đũa mấy lần mới dám đưa xuống đĩa. Thậm chí, khi “đặc sản” được đưa lên miệng thì hai hàng mi mắt đã nhắm tịt lại, bàn tay vẫn đang run run.
| |
Chảo châu chấu rang vàng ruộm |
Ngẫm ra một con sâu rau có hình dáng tương tự như vậy nhưng nhỏ hơn đã có thể huỷ hoại cả một nồi canh. Phải mỏi lưỡi lắm mới dìu dắt được phái đẹp đi qua cửa ải này. Thế nhưng, khi đã “nhắm mắt đưa tay”, có lẽ họ cảm nhận món này cũng béo và hấp dẫn hơn cả món nhộng vẫn ăn thường ngày. Nói như một anh chàng bạn tôi lúc cao hứng: “đúng là béo như... sâu”.
Vừa ăn vừa “giác ngộ”, cuối cùng 8 người chúng tôi cũng xơi hết 3 đĩa châu chấu, hai đĩa dế mèn, hai đĩa nhái, một đĩa sâu tằm... và một nồi lẩu gà. Đến lúc này, nhìn sang mấy cô bạn gái, anh chàng bạn tôi hóm hỉnh tổng kết về bữa ăn: “Nam thực như hổ, nữ thực như... nam”.
Níu giữ các món ăn “lẩm cẩm”
Nhiều người tưởng rằng, thời “sâu bọ lên làm người” thì các món ăn côn trùng cũng đắt đỏ lắm, nhưng té ra giá cả rất bình dân: mười ngàn là giá chung cho một đĩa bọ xít hoặc dế mèn, châu chấu... Không ít người giật mình với giá cả như vậy, anh Kiên cho biết.
Cũng theo anh Kiên, một ngày thực khách đến quán của anh ngốn hết vài cân châu chấu, 1- 2 nghìn con dế, khoảng 2 kg bọ xít... Nhiều vị khách vốn là người tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp tìm đến đây với mong mỏi được thưởng thức lại món châu chấu, dế mèn vốn rất dân dã ở các vùng quê trước kia.
Món bọ xít kén người ăn hơn, chủ yếu đánh vào trí tò mò của các đấng nam nhi. Trước khi trở thành món ăn, bọ xít được chế biến khá lắt léo. Sau khi vặt đầu, bóc cánh, rút đuôi, bóc màng... côn trùng này được ngâm vôi, phèn trong vòng nửa ngày để khử bớt mùi hôi, sau đó được chế biến bằng cách chiên hoặc nướng. Món ăn này có vị bùi bùi như cà cuống đực nhưng có mùi hơi hôi hôi.
Anh Kiên “mở mang” thêm cho chúng tôi: câu “hôi như nước đái bọ xít” khiến mọi người sợ món côn trùng này nhưng thực ra khi đã ăn rồi cũng sẽ nghiện vị hôi hôi rất đặc trưng như nghiện vị đăng đắng của mướp đắng. Bọ xít rộ nhất vào quãng thời gian từ tháng hai đến tháng tư khi vải nhãn ra hoa, còn lúc này dù bọ xít già và ngon hơn nhưng lại rất hiếm.
Nguồn bọ xít được nhập ở vùng Văn Giang, Hưng Yên. Châu chấu được nhập ở Thường Tín (Hà Tây), dế mèn ở cầu Mai Lĩnh. So với trước kia, nguồn châu chấu không nhiều bằng nhưng cách bắt châu chấu hiện đại hơn nhờ những chiếc vợt to làm bằng ni lông. Dế mèn được người dân từ cầu Mai Lĩnh trở xuống, đào dọc theo bờ sông Đáy. Trong Nam, thời tiết ấm nên dế mèn sinh sản quanh năm và có thể nuôi được. Trong khi ở ngoài Bắc dế mèn chỉ có một mùa sinh sản và cho đến nay chưa thấy ai nuôi được... Đề cập tới sự thiếu vắng của món bọ cạp, anh Kiên cho biết không hứng làm vì nhiều quán đã có.
Anh Kiên mở quán như một thú vui để gặp gỡ bạn bè, đồng thời cũng là cách để duy trì thú ẩm thực của làng Khương Thượng. Các cụ trong làng kể lại, sau trận Quang Trung đại phá quân Thanh, nhiều người bị thương đã ở lại làng Khương Thượng. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau và mang theo nhiều món ăn rất “lẩm cẩm” như ốc ếch, nhái, chim... Nằm giữa Hà Thành, làng này vẫn “âm thầm” giữ được thú ẩm thực vừa quê quê vừa lạ lẫm và quán của anh Kiên là địa điểm để không chỉ người dân trong làng mà cả nhiều người tứ phương chia sẻ thú ẩm thực này.
Mạnh Cường