1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Dẹp vỉa hè: "Đẩy đuổi hàng rong không khó, nhưng đuổi rồi để làm gì?"

(Dân trí) - Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - khẳng định chủ trương của TP là nghiên cứu tạo sinh kế bền vững cho người dân khi tiến hành lập lại trật tự đô thị chứ không đẩy đuổi người bán hàng rong, bởi “sau mỗi gánh hàng rong là 1 gia đình”.

Ngày 5/7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường.

Phát biểu về chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường, ngoài việc quan tâm đến việc tái lấn chiếm xảy ra ở nhiều nơi, các đại biểu còn lo ngại đến công tác này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Đặc biệt là những người bán hàng rong với thu nhập bấp bênh sẽ rất khó sống khi nguồn sinh kế bị dẹp bỏ.

Làm không quyết liệt thì các đại biểu lo sẽ xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, làm quyết liệt lại lo không đảm bảo được đời sống cho người lao động nghèo
Làm không quyết liệt thì các đại biểu lo sẽ xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, làm quyết liệt lại lo không đảm bảo được đời sống cho người lao động nghèo

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm lo lắng, người bán hàng rong sau khi bị “đẩy” khỏi vỉa hè sẽ rất khó tìm kế sinh nhai khác; trong khi đó, các địa phương còn chậm trễ trong việc lập phố bán hàng rong để thu xếp nơi buôn bán cho những người này.

Bà Trâm đặt câu hỏi: “Nhiều khu phố hàng rong còn nằm trên giấy, đặc biệt là quận 1. Việc chậm do tắc ở đâu, bao giờ xong?”.

Theo đại biểu Trâm, vỉa hè không chỉ là không gian cho người đi bộ mà còn là văn hóa đô thị cho nên phải có bố trí, sắp xếp phù hợp. Việc này đòi hỏi phải có thời gian chứ không thể nóng vội. Tuy nhiên, sinh kế của người dân cũng là điều rất quan trọng, cần chú tâm để xử lý một cách hài hòa.

Sau những hàng quán tạm bợ này là rất nhiều phận người, là sinh kế của rất nhiều gia đình
Sau những hàng quán tạm bợ này là rất nhiều phận người, là sinh kế của rất nhiều gia đình

Trả lời trước cử tri thành phố, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - khẳng định việc lập lại trật tự đô thị sẽ được thành phố kiên trì đeo bám và làm thường xuyên chứ không làm theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa". Đồng thời, thành phố cũng tiến hành các bước 1 cách cẩn thận và chắc chắn, đảm bảo mục tiêu lập lại được trật tự đô thị, xây dựng thành phố văn minh – hiện đại nhưng cũng đảm bảo hài hòa lợi ích xã hội, quan tâm đến đời sống của bộ phận cư dân phải sống dựa vào vỉa hè lâu nay.

Ông Khoa khẳng định chủ trương của TP là nghiên cứu tạo sinh kế bền vững cho người dân khi tiến hành lập lại trật tự đô thị chứ không đẩy đuổi người bán hàng rong.

Ông nói: “Việc đẩy đuổi thì không khó. Nhưng đẩy đuổi rồi để làm gì? Cuộc sống của những người bán hàng rong sẽ ra sao?”.

“Đồng chí Chủ tịch TP từng phát biểu 1 câu rất đúng là “Sau mỗi gánh hàng rong là 1 gia đình”. Chúng ta phải xác định rõ là xây gì và chống gì? Chống là chống lại hành vi lợi dụng, bao chiếm lòng lề đường để làm lợi cho mình. Xây cái gì? Xây là xây dựng một thành phố văn minh nhưng phải đáp ứng tốt nhu cầu sống, nâng cao chất lượng sống của người dân!”, ông Khoa khẳng định.

Ông giải thích thêm: “Chợ tự phát xuất hiện là nhu cầu, nó là nhu cầu tồn tại có thực của người dân. Nhưng đó là nhu cầu tự phát, nếu để vậy thì sẽ ảnh hưởng đến trật tự đô thị. Nhưng nếu dẹp đi thì ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của người dân, công nhân.

Phải giải quyết hài hòa cả 2 vấn đề này. Tôi cũng biểu dương 1 số nơi như quận 9, 12… đã có biện pháp làm rất đúng đắn khi giải quyết vấn đề này. Song song với việc dẹp chợ tự phát thì phải tìm địa điểm, xây dựng nơi buôn bán mới cho bà con về buôn bán. Đó là cách làm đáng biểu dương và khuyến khích mở rộng!”.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa: “Việc đẩy đuổi thì không khó. Nhưng đẩy đuổi rồi để làm gì? Cuộc sống của những người bán hàng rong sẽ ra sao?”.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa: “Việc đẩy đuổi thì không khó. Nhưng đẩy đuổi rồi để làm gì? Cuộc sống của những người bán hàng rong sẽ ra sao?”.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cũng cho biết đang nghiên cứu để lập các phố ăn sáng tại trung tâm thành phố. Ông nói: “Khu trung tâm có nhiều hàng rong bán đồ ăn sáng cho công nhân viên chức. Dẹp thì dễ, nhưng dẹp thì bà con sống ra sao?”.

Do đó, vị Phó Chủ tịch này đã nghĩ đến việc chọn 1 số tuyến đường trung tâm cho người bán hàng rong được bán đồ ăn sáng trong 1 khoảng thời gian nhất định, hết giờ thì dừng.

Ông nói: “Có thể bán đồ ăn sáng trong khoảng thời gian 6h – 7h hay 7h30 gì đó. Công nhân, viên chức có thể đến mua gói xôi, bánh mì gì đó ăn để đi làm”.

Ông Khoa cho biết ông đã bàn ý tưởng này với ông Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND quận 1) và ông Hải rất đồng tình. Tuy nhiên, ông cũng cho biết đây chỉ mới là ý tưởng và chưa có chủ trương thống nhất nên vẫn chưa làm được, đang được nghiên cứu thêm.

Bài: Quốc Anh – Tùng Nguyên
Ảnh: Phạm Nguyễn