Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

"Đến thời điểm này đã chín muồi để điều chỉnh tiền lương"

Thế Kha

(Dân trí) - "Đến thời điểm này đã chín muồi để điều chỉnh tiền lương. Người lao động chờ đợi điều này lâu rồi, cần lắm rồi", Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói tại Quốc hội sáng 22/10.

Thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định với sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, tập thể Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã nỗ lực cao nhất trong bối cảnh tác động nhiều chiều của thế giới và trong nước.

"Chúng ta đã có những quyết sách mang tính chất lịch sử để chuyển hướng cho nền kinh tế và sự phát triển của đất nước; vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe, vừa đảm bảo đời sống tinh thần cho người dân, người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Đến thời điểm này đã chín muồi để điều chỉnh tiền lương - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Quốc Chính).

Theo ông, có 4 thành tựu rất rõ ràng. Đó là tốc độ tăng trưởng vừa qua như một kỳ tích; lạm phát kiềm chế được, giữ được tỷ lệ cho phép; các cân đối lớn đều được đảm bảo và thị trường lao động phục hồi nhanh, mạnh trong năm 2022.

"Phải khẳng định rằng đời sống của người dân đã cải thiện một bước. Hôm nay tôi rất mừng vì trong quý III vừa rồi thu nhập bình quân của người lao động khoảng 7,6 triệu đồng, tăng khoảng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý III so với quý II tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là khu vực dịch vụ - lực lượng lao động đạt tới 19,2 triệu người, thu nhập khu vực dịch vụ trên 8 triệu đồng là rất cao và đây cũng là lĩnh vực bị chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm (2020 - 2021), nay đã phục hồi ấn tượng", người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.

"Có nhiều nguyên nhân nhưng sợ rủi ro trách nhiệm là có thật"

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện nay đang có nhiều băn khoăn. Mặc dù chúng ta có nguồn lực để đầu tư phát triển, đầu tư công, có chương trình phục hồi kinh tế,… nhưng đầu tư còn chậm.

"Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng đã tổ chức nhiều cuộc làm việc tháo gỡ khó khăn. Khó khăn thì có rất nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân do chúng ta, khâu tổ chức thực hiện, do con người. Có những nguyên nhân mà chúng ta chưa dám nói thẳng với nhau, chưa dám tháo gỡ. Tại sao mấy năm trước đây các doanh nghiệp, nhà đầu tư mặn mà với các công trình nhưng bây giờ các cơ quan thẩm định cũng không dám thẩm định, các nhà đầu tư cũng không dám tham gia đầu tư?", Bộ trưởng nêu thực trạng.

Lý giải chuyện này, Bộ trưởng Dung cho rằng nguyên nhân thứ nhất nằm ở rủi ro pháp lý, một phần do khâu tổ chức thực hiện. Thứ hai do giá cả leo thang, đưa ra thông báo giá không phù hợp thực tiễn nên "các nhà đầu tư nói với tôi chưa làm đã thấy lỗ rồi, càng làm càng lỗ".

Nguyên nhân thứ ba liên quan đến chuyện phân cấp, phân quyền, đi liền với đó là cá thể hóa trách nhiệm. "Nhưng ở chỗ này chỗ kia phân cấp, phân quyền chưa tới nơi tới chốn. Có những nơi, những việc tạm gọi là chia quyền với nhau, không trôi chảy. Chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng một bộ phận sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy. Việc khó là không ký, việc khó là không nhận. Có nhiều nguyên nhân nhưng sợ rủi ro trách nhiệm là có thật", Bộ trưởng thẳng thắn.

Và hệ lụy do chậm giải quyết đã ảnh hưởng tới lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, thuốc men, bệnh viện. Trong đó, Luật Đấu thầu đang bộc lộ nhiều hạn chế, yêu cầu phải thực hiện qua rất nhiều cửa, thủ tục, chi phí, kìm hãm sự phát triển. Thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,… chưa lành mạnh, ổn định.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phản ánh một vấn đề mà các tỉnh đang gặp phải nhưng không tỉnh nào nói liên quan đến đất đai nông trường lên tới hàng triệu km2. Người dân được phát canh làm nhà mấy chục năm nhưng không được cấp sổ đỏ, không có đất sản xuất.

"Tôi đi tiếp xúc cử tri cũng được phản ánh mấy chuyện này. Tôi đề nghị Quốc hội vào cuộc tháo gỡ, nếu không tháo gỡ được thì còn khó khăn cho dân", Bộ trưởng Dung nói.

ến thời điểm này đã chín muồi để điều chỉnh tiền lương"

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, chúng ta phải ổn định được kinh tế vĩ mô, kìm chế được lạm phát. Muốn làm được điều này thì phải đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dầu mỏ, khí đốt, xăng dầu.

Bên cạnh đó phải đảm bảo công ăn việc làm, đời sống cho người lao động, thị trường lao động.

"Chúng ta đang nói nhiều về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhưng tìm hiểu các giải pháp tới nơi tới chốn thì không có. Phải xác định rằng cùng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì phải chuyển đổi nhanh về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng nhận định.

Việt Nam có lợi thế chuyển đổi số vô cùng lớn khi có băng thông rộng, hệ thống hạ tầng rất tốt nhưng lại đang thiếu khoảng 1 triệu lực lượng am hiểu công nghệ thông tin. Muốn chuyển đổi số nhanh phải chuyển sang đào tạo chất lượng cao, tập trung vào giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng tại cuộc thi tay nghề thế giới vừa qua, lần đầu Việt Nam giành được 2 giải bạc. Đó là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Điều này bắt đầu từ sự hỗ trợ của Đức trong giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.

Đây là hướng chuyển đổi đã diễn ra rất nhanh trong 3 năm qua. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực khó hiện nay Việt Nam đảm nhận được vì chúng ta đã xây dựng được các tài liệu trên cơ sở tiếp thu giáo trình đào tạo của các nước phát triển như Đức, Úc, Australia, Nhật...

Về điều chỉnh chính sách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: "Chúng ta đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ công chức, viên chức về cải cách tiền lương".

Năm 2018, Trung ương thông qua Nghị quyết 27, Nghị quyết 28; người dân, người lao động rất hồ hởi, chờ đợi nhưng đến năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phải lùi lại.

"Đến thời điểm này đã chín muồi để điều chỉnh tiền lương. Người lao động chờ đợi điều này lâu rồi. Nếu cải cách theo Nghị quyết 27 thì cần khoảng 248.000 tỷ đồng. Điều chỉnh mức lương cơ sở là giải pháp chấp nhận được trong giai đoạn hiện nay. Tôi cho rằng người lao động cần lắm rồi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Để thuyết phục hơn cho nhận định của mình, Bộ trưởng tiếp tục nêu thực tế lương khởi điểm của kỹ sư mới ra trường chỉ là 3,5 triệu đồng, viên chức là 2,2 triệu nhưng mức lương tối thiểu vùng đã điều chỉnh lên 4,2 triệu đồng.

"Vừa qua chúng tôi khảo sát bình quân một người dân TPHCM sống được là khoảng 6,5 triệu. Thế thì kỹ sư ra trường lương 3,5 triệu thì sống thế nào, đó là còn chưa tính còn có gia đình, con cái ?. Mức lương của cán bộ, công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu. Rõ ràng chúng ta phải điều chỉnh, bởi thực sự cần thiết rồi", Bộ trưởng Dung mong mỏi.

Một đối tượng khác cũng cần nghiên cứu điều chỉnh tiền lương nằm ở khu vực doanh nghiệp. "Nếu không điều chỉnh tiền lương khu vực doanh nghiệp sẽ kìm hãm sự phát triển. Vừa qua Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã làm thí điểm 3 tập đoàn, đến giờ thấy hoàn toàn chín muồi rồi. Quốc hội cần xem xét vấn đề này vì nó không ảnh hưởng tới ngân sách nhưng giải phóng được phát triển doanh nghiệp, tại sao chúng ta không làm?", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Nhóm tiếp theo cần được quan tâm là phụ cấp cho nhân viên y tế và giáo dục.  Người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đề nghị sớm có phụ cấp cho nhân viên y tế và khối dự phòng y tế cơ sở. Các đối tượng y tế ở các bệnh viện lớn, bệnh viên công thực hiện theo đúng Nghị định 56, Nghị định 60 về "tính đúng, tính đủ". Chỉ dùng ngân sách để hỗ trợ cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Ngoài ra cần quan tâm hơn tới đối tượng giáo viên mầm non, giáo viên bậc THCS, THPT. "Đây là vấn đề nhức nhối lắm, ngoài thiếu giáo viên thì đời sống của họ khó khăn lắm. Cái này phải làm sớm, nhanh hơn. Nếu cứ thế này giáo viên mầm non nghỉ hết", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lo ngại.