1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sau cái chết của con tê giác cuối cùng:

Đến lượt bò tót đối diện nguy cơ tuyệt chủng

Cát Tiên là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng nhưng cả thế giới biết đến, ấy là nhờ một phần ở quần thể tê giác một sừng tồn tại trong Vườn quốc gia Cát Tiên. Nay, con tê giác cuối cùng đã vĩnh viễn không còn, nỗi buồn mà nó để lại quả là lớn.

Tuy nhiên, nói đến rừng Cát Tiên là nói đến vài mươi loài có tên trong sách Đỏ của thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt chứ không riêng gì loài tê giác. “Trong những loài còn lại ở đây, bò tót là một trong những đối tượng cần được đặc biệt quan tâm” - chiều 27/10, ông Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện uỷ Cát Tiên - trao đổi với phóng viên.

 

Loài thú xếp hạng tuyệt chủng cao

 

Ông Huỳnh Văn Đẩu tiếp tục: “Chuyện về con tê giác đúng là đau lòng thật, nhưng chúng ta phải tạm gác sang một bên để tiếp tục công cuộc bảo vệ rừng, bảo vệ những con thú còn lại. Về phía địa phương, câu này gần như là một mệnh lệnh: Còn tê giác, chúng ta quyết liệt bảo vệ rừng; mất tê giác, chúng ta bảo vệ rừng quyết liệt hơn nữa!”.

 

Theo ông Trần Văn Thành - GĐ VQG Cát Tiên, hiện vườn có 3 - 4 đàn bò tót đang sinh sống với số lượng tổng đàn khoảng 100 con. Trong sách Đỏ VN, bò tót được xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Hiện tại, nạn săn bò tót đang là mối quan tâm đặc biệt của lực lượng kiểm lâm, trong đó có lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên.

 

Quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên có “không gian” không nhỏ - trên 70.000ha - nhưng không gian ấy tiếp giáp đến những gần 40 xã có đông dân cư sinh sống thuộc 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước lại chính là mối đe doạ của loài thú quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này.

 

Đến lượt bò tót đối diện nguy cơ tuyệt chủng  - 1

Đàn bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

 

“Không chỉ dân cư vùng tiếp giáp mà ngay trong vùng lõi và vùng đệm của VQG Cát Tiên còn có đến 18.000 dân sinh sống cũng là một nguy cơ tiềm ẩn  của nhiều loài thú hoang dã trong vườn, trong đó có bò tót” – ông Trần Văn Thành cho biết. Sau khi đàn bò tót ở đây được phát hiện, năm 2006, VQG Cát Tiên đã được Bộ Ngoại giao Pháp và Quỹ Môi trường toàn cầu Pháp (FFEM) tài trợ nguồn kinh phí 580.000 euro nhằm mục đích được nêu rõ là “góp phần bảo tồn nguồn gene các loài động vật hoang dã và đặc biệt là bảo tồn nguồn gene các loài bò hoang dã với mục tiêu duy trì nguồn gene để cải tạo đàn bò nuôi”. Theo các cán bộ của VQG Cát Tiên thì quần thể bò tót ở đây thường xuyên xuất hiện ở khu vực bàu Sấu – nơi có sinh cảnh phù hợp cho loài động vật hoang dã này. Ngoài ra, chúng cũng thi thoảng xuất hiện tại các khu vực khác trong vườn như núi Tượng, bàu Rau Muống, bàu Bộ Đội... ở Đắc Lua (Đồng Nai).

 

 

Hiểm nguy rình rập

 

Thật thú vị khi nghe một thông tin do ông Nguyễn Văn Minh – Hạt phó thường trực Hạt Kiểm lâm Cát Tiên – cung cấp: Vào một buổi chiều mùa khô cách nay 7 năm, hai vợ chồng du khách người Hà Lan khi đi du lịch trong vườn đã nhìn thấy một đàn bò tót khoảng 20 con đang băng qua đường.

 

Hai vợ chồng du khách người Hà Lan đã không bỏ lỡ cơ hội: Nấp vào một bụi rậm và dùng máy quay phim cá nhân quay lại cảnh đàn bò này với độ dài khoảng 15 phút. Và cho đến lúc này, đây vẫn là những thước phim tư liệu rất quý về đàn bò tót của VQG Cát Tiên. “Hy vọng đây không phải là những thước phim cuối cùng giống như những tấm ảnh cuối cùng của loài tê giác một sừng” – ông Minh nói.

 

“Sau cái chết của con tê giác, chúng tôi thực sự lo lắng cho sự tồn vong của đàn bò tót ở đây. Bởi lẽ, nạn săn bắn thú rừng và tình trạng sử dụng thịt thú rừng hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại” – ông Nguyễn Văn Minh nói thêm. Theo ông Minh, từ trước đến giờ, hạt chưa phát hiện vụ săn bắn bò tót nào nhưng cứ trung bình mỗi tháng, hạt thu giữ 4 – 5 khẩu súng tự chế của lâm tặc “đi lùng” trong VQG Cát Tiên là một dấu hiệu rất đáng lo ngại về số phận của quần thể bò tót ở đây.
 
Đến lượt bò tót đối diện nguy cơ tuyệt chủng  - 2
Một khu vực rừng bị phát đốt đến không còn một chút màu xanh (ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp).

 

“Bởi lâm tặc chỉ sử dụng súng săn là súng tự chế chứ không phải súng quân dụng nên về luật thì không thể truy tố đối tượng được. Đây quả là một bất cập!” – ông Minh nhấn mạnh. Ông Minh nói: “Hiện một cái mật bò tót ở thị trường có giá đến những 50 – 60 triệu đồng; giá thịt bò tót cũng cao gấp ba đến bốn lần thịt bò thường... thì hẳn loài thú guốc chẵn này là lực hấp dẫn rất mạnh của những kẻ đi săn thú rừng”.

 

“Mỗi năm anh em kiểm lâm của tôi bắt trên 20.000 cái bẫy thú, trong đó có 10% bẫy bắt cả thú lớn như bò tót, nai, hoẵng... Chỉ mới một tháng vừa rồi đây thôi, chỉ vài anh em kiểm lâm lội rừng cũng đã thu được 200 cái bẫy to chuyên bẫy thú lớn. Rồi nữa, mỗi tháng thu vài khẩu súng cũng là điều đáng quan tâm đặc biệt. Mối hiểm hoạ của bò tót là ở đây! Và như vậy, đâu chỉ riêng bò tót!” – ông Trần Văn Thành, GĐ VQG Cát Tiên nói. Ông Huỳnh Văn Đẩu nói thêm: “Muốn bảo vệ được rừng, bảo vệ được bò tót, điều quan trọng nữa là phải cải thiện sinh kế người dân sống trong rừng và quanh rừng!”.  

 

Bò tót có tên khoa học là Bosgaurus, tên địa phương là con min; là động vật thuộc bộ guốc chẵn (Artiodactyla), họ trâu bò (Bovidae), có lông màu sẫm và kích thước lớn, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và một số quốc gia thuộc Đông Nam Á.

 

Theo Khắc Dũng

 Lao Động