Đến 2030, dừng vứt bỏ dụng cụ khai thác thủy sản trực tiếp xuống biển
(Dân trí) - Đây là mục tiêu đặt ra tại kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019.
Ô nhiễm từ Rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo thống kê, nghiên cứu từ các chuyên gia chỉ ra rằng 80% RTNĐD có nguồn gốc từ đất liền.
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, theo nghiên cứu của các chuyên gia khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất (theo nghiên cứu của Tiến sỹ Jenna Jamback năm 2015).
Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của RTNĐD đối với môi trường kinh tế – xã hội nói chung và các loài sinh vật biển nói riêng, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành. Nhiều tỉnh và thành phố ven biển cũng đưa vấn đề ô nhiễm và xử lý RTNĐD vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên thực tế, hiện nay Việt Nam chưa có dữ liệu quốc gia xác định các nguồn phát thải nhựa từ đất liền hay từ biển và chưa có nghiên cứu hoặc thống kê định lượng nào về lượng RTN tại các vùng biển ven bờ, trong đó có các Khu Bảo tồn biển (KBTB) là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do ô nhiễm từ rác thải trên biển.
Tuy nhiên, việc quản lý RTNĐD đang là thách thức lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh thói quen sử dụng nhựa dùng một lần ngày càng tăng và năng lực quản lý chất thải rắn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, xả rác thải nhựa không theo quy định vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu RTNĐD với mục tiêu rất cao. Quyết tâm của Việt Nam được thể hiện tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.
Mục tiêu đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% dụng cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; Dừng việc vứt bỏ dụng cụ khai thác thủy sản trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…Mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.
Để làm được điều này, một số nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra để giải quyết về RTNĐD trong đó tập trung các giải pháp như: Tích cực thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương...
Nguyễn Dương