Vụ thuyền viên Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ:

Đếm ngược từng giờ đợi con trở về

(Dân trí) - Hy vọng tưởng chừng như đã vụt tắt trên ánh mắt những người cha, người mẹ của các thuyền viên Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ hơn 18 tháng, nay bừng trở lại khi họ hay tin các con họ đang trên đường trở về từ cõi chết.

Mấy ngày nay, tin tàu cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) được cướp biển Somalia thả sau hơn 18 tháng bắt giữ, các thuyền viên viên trên tàu đang chuẩn bị về nước, khiến không khí làng trên, xóm dưới ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) - địa phương có 3 lao động trên tàu - chộn rộn hẳn lên. Ai ai cũng háo hức đón chờ giây phút sum vầy.

Gần 2 năm qua, chị Võ Thị Nhị (46 tuổi, xóm 8 Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) sống trong nỗi lo triền miên. Con trai chị, Lưu Đình Hùng (SN 1990) là một trong 12 thuyền viên Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ. Gia cảnh nghèo khó nên mới qua lớp 9, Hùng đã phải bỏ học để nuôi mộng thoát nghèo bằng con đường xuất khẩu lao động. Thấy con trai cứ nằng nặc đòi đi, chị Nhị đã vay ngân hàng 15 triệu đồng cho con sang Đài Loan làm thuyền viên. Nào ngờ niềm vui thoát nghèo chưa hình thành thì tai họa lại kéo đến.

Đếm ngược từng giờ đợi con trở về
Người thân thuyền viên Lưu Đình Hùng và Trần Văn Hùng đợi con về sau hơn 18 tháng bị hải tặc bắt giữ

“Tin thằng Hùng bị cướp biển bắt cóc khiến tim tôi như co thắt lại. Những đêm sau đó tôi đã nhiều lần không ngủ được vì thương con bị giam cầm và bỏ đói. Nó gọi điện về bảo nếu chủ tàu không mau giao tiền chuộc thì sẽ giết hết thuyền viên trên tàu”, chị Nhị nhớ lại những ngày tháng thắt lòng mong ngóng tin con. Nay biết tin con vẫn còn sống và đang trên đường trở về, chị lại không ngừng rơi những giọt nước mắt hạnh phúc: “Rứa là nó sống thật rồi! Tối qua nó gọi điện về, lâu lắm rồi tui mới nghe giọng nó. Nó nói chỉ vài hôm nữa là về Việt Nam, về với mẹ. Giờ thì tui chỉ ngồi đếm từng giây, mong trời sớm qua ngày để gặp lại con mình”, chị Nhị nghẹn ngào chia sẻ.

Cách nhà chị Nhị không xa, trong căn nhà nhỏ của ông Trần Văn Vinh (xóm 9, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) - bố thuyền viên Trần Văn Hùng - cũng rộn rã hơn ngày thường khi nhiều bà con, hàng xóm đến hỏi thăm và chia vui với gia đình. “Mỗi lần nghe con gọi điện về nhà dù chỉ trong vòng thời gian ngắn ngủi chỉ một vài phút thôi nhưng tôi vẫn thấy lo sợ vì nếu không có tiền chuộc thì con mình sẽ bị đánh đập, thậm chí có thể bị giết. Hôm nghe tin cháu được giải cứu và vẫn khỏe mạnh tôi mừng phát khóc. Có nghèo khổ mấy bây giờ tôi cho cháu ở nhà chứ tôi không cho đi nữa”, ông Vinh tâm sự.

Giọt nước mắt hạnh phúc của ông Trần Văn Vinh khi nghe tin con bình an trở về
Giọt nước mắt hạnh phúc của ông Trần Văn Vinh khi nghe tin con bình an trở về

Ông Vinh cho biết, gia đình ông có 3 người đi xuất khẩu lao động thì cả 3 đều gặp nạn. Ông Vinh từng thoát chết trong lần nổ bình khí trên tàu cá ở cảng Uruguay, chú của ông cũng thoát chết vì tai nạn khi quấn lưới trên tàu. Và giờ đến lượt con trai ông. Vừa dọn ít quần áo vào túi xách, ông Vinh cho hay: “Tối nay tôi sẽ cùng mấy người có con trong xã lên Hà Nội để đón con. Bên công ty xuất khẩu lao động và Lãnh sự quán thông báo là sáng mai các cháu sẽ về đến nơi. Qua báo Dân trí tôi cũng gửi lời cảm ơn đến các Đại sứ quán Việt Nam, Bộ Công an, các công ty xuất khẩu lao động và các cơ quan, ban ngành đã nhiệt tình giúp đỡ, giải cứu các con tôi và đưa các cháu an toàn, bình an trở về”.

Ông Trần Văn Vinh chuẩn bị đồ đạc để ra Hà Nội đón con
Ông Trần Văn Vinh chuẩn bị đồ đạc để ra Hà Nội đón con

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 25/12/2010, cướp biển Somalia đã bắt giữ tàu đánh cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) cùng 26 thuyền viên Việt Nam và Trung Quốc tại ngoài khơi Madagascar thuộc Ấn Độ Dương và đòi khoảng 60 tỷ đồng tiền chuộc. Trên tàu có 12 thủy thủ Việt Nam, đều quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh do 3 doanh nghiệp đưa đi là Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco), Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội) và Công ty TNHH một thành viên Vạn Hoa Hải Phòng

Đến ngày 16/7/2012, sau 18 tháng bị giam giữ, các thuyền viên đã được giải cứu sau khi chủ tàu và hải tặc thống nhất khoản tiền chuộc. Toàn bộ số thuyền viên sau khi được giải cứu đã được tàu khu trục Chang Zhou (Trung Quốc) tiếp nhận tại khu vực Vịnh Aden và cập bến Tanzania vào trưa 20/7. Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã xin phép nhập cảnh tạm thời cho các thuyền viên Việt Nam lên quốc gia này, trước khi làm thủ tục bay về nước. Dự kiến các thủy thủ sẽ về Việt Nam vào ngày 24/7.

Danh sách 12 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu FV Shiuh Fu No1:

1.Trần Văn Toàn (SN 1991, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An)

2.Trần Văn Hùng (SN 1987, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An)

3.Lưu Đình Hùng (SN 1990, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An)

4. Nguyễn Thanh Tú (SN 1986, Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An)

5. Nguyễn Văn Hải (SN 1992, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

6. Hồ Xuân Hương (SN 1989, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

7. Vũ Văn Ba (SN 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

8. Trần Minh Trí (SN 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

9. Trần Huy Bình (SN 1987, Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An)

10. Lưu Đình Sơn (SN 1991, Thạch Ngàn, Con Cuông, Nghệ An)

11. Nguyễn Văn Tâm (SN 1990, Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

12. Bùi Văn Hóa (Quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

 Nguyễn Duy - Doãn Hòa