Phập phồng chờ tin 12 thuyền viên bị cướp biển bắt giữ

(Dân trí)- Cục Quản lý lao động ngoài nước, (LĐ-TB& XH) yêu cầu 3 doanh nghiệp có 12 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt giữ phối hợp chặt chẽ với phía Đài Loan bảo vệ an toàn và quyền lợi cho lao động VN.

 
Phập phồng chờ tin 12 thuyền viên bị cướp biển bắt giữ - 1
Cướp biển Somalia đang bắt giữ 12 thuyền viên Việt Nam.

Trao đổi với Dân trí, ông Đào Công Hải,  Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đã nhận được báo cáo giải trình từ 3 công ty có thuyền viên bị bắt cóc.

Cục yêu cầu các doanh nghiệp này giữ liên lạc chặt chẽ với hãng quản lý tàu phía Đài Loan để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Cùng đó, yêu cầu sớm thông báo tới người nhà các thuyền viên gặp nạn để động viên, khai thác thêm thông tin, dữ liệu của các các nhân, sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng khi có diễn biến mới.

“Đây là sự cố ngoài ý muốn và tầm kiểm soát. Sự việc này cũng đã được chúng tôi thông báo đến Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam để có chỉ đạo phối hợp kịp thời với phía Đài Loan giải quyết sự việc”.

Ông Vũ Đình Tuân, Trường phòng Đài Loan, Cty Inmasco cũng cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin gì từ phía tàu đánh cá Shiuh Fu- 1. Vì vậy,  thông tin về 4 thuyền viên do công ty này gửi đi vẫn tạm thời bế tắc. Phía Đài Loan và các công ty Việt Nam đang tiếp tục đợi tin đưa ra từ nhóm cướp biển.

Phía công ty này cũng cho biết,  gia đình của 4 thuyền viên này đã nhận được thông tin về sự cố xảy ra với người thân  (do người của Inmasco báo trước quan điện thoại). Ngay sau đó, công ty sẽ gửi công văn và cử người về các gia đình động viên các gia đình bình tĩnh. 4 thuyền viên này đều có tuổi đời khá trẻ (dưới 35 tuổi).

“Chúng tôi đã mua bảo hiểm đầy đủ theo quy định cho người lao động trước khi họ sang Đài Loan làm việc. Khi trường hợp xấu xảy ra, sẽ căn cứ vào quy định trong hợp đồng bảo hiểm để giải quyết đền bù cho người bị nạn”- ông Tuân cho biết.
 
Tàu đánh cá Shiuh Fu- 1 (Đài Loan) cùng 26 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt giữ ngày 25/12 tại vùng biển ngoài khơi Madagascar thuộc Ấn Độ Dương.
 
Trên tàu cá có 26 người đến từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó 12 người Việt Nam đã được 3 công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam xác nhận đang ở trên con tàu này.Cụ thể, 4 thuyền viên của Cty Cung ứng Lao động Quốc tế và Dịch vụ (Imasco): Trần Văn Toàn (SN 1991, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An); Lưu Đình Sơn (SN 1991, Thạch Ngân, Con Cuông, Nghệ An); Trần Văn Hùng (SN 1987, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An); Nguyễn Văn Tâm (SN 1990, Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
 
7 thuyền viên của Trung tâm Xuất khẩu lao động, Cty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội): Nguyễn Văn Hải (SN 1992, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Trần Huy Bình (SN 1987, Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An); Hồ Xuân Hương (SN 1989, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Lưu Đình Hùng (SN 1990, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An); Trần Minh Trí (SN 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Nguyễn Thanh Tú (SN 1986, Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An); Vũ Văn Ba (SN 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

1 thuyền viên của Cty TNHH một thành viên Vạn Xuân: Bùi Văn Hóa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xuất cảnh năm 2009).

 P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm