1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Đề xuất xây dựng thử nghiệm 2 tuyến buýt đường sông

(Dân trí) - Công ty TNHH Thường Nhật vừa trình Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề án xây dựng 2 tuyến vận tải hành khách công cộng đô thị đường sông bằng tàu khách, gọi tắt là buýt đường sông nhằm khai thác lợi thế nhiều sông - kênh - rạch của TP.

Đề xuất xây dựng thử nghiệm 2 tuyến buýt đường sông  - 1
Với hệ thống sông - kênh - rạch trải rộng khắp, TPHCM hoàn toàn có thể xây dựng buýt trên sông.

Cụ thể, hai tuyến buýt đường sông đầu tiên Công ty Thường Nhật muốn thí điểm là tuyến dọc theo sông Sài Gòn nối hai điểm Linh Đông (Thủ Đức) và bến Bạch Đằng (quận 1); tuyến dọc theo kênh Bến Nghé - Tàu Hủ nối quận 8 với bến Bạch Đằng - quận 1. 

Cả hai tuyến đều có lộ trình là 11km. Nếu tính cả thời gian dừng bến đón khách thì chỉ  cần 30 phút là tàu buýt có thể hoàn tất lộ trình này, đưa hành khách từ 2 quận ngoại thành (Thủ Đức, quận 8) vào trung tâm (quận 1), chỉ bằng 2/3 thời gian của buýt đường bộ và không bị kéo dài thời gian do kẹt xe.

Theo Công ty Thường Nhật, để xây dựng thí điểm 2 tuyến buýt đường sông này, công ty phải xây dựng 4 bến tàu khách đa năng và 8 bến nhỏ làm trạm đón trả khách. Về tàu khách thì trong giai đoạn 1 công ty sẽ trang bị 8 tàu với sức chở 80 khách/tàu, có khả năng chuyên chở khoảng 10.000 hành khách/ngày. Tổng vốn đầu tư cho cả dự án là 58 tỷ đồng.

Đây là dự  án đầu tiên do tư nhân đề xuất xây dựng kể từ sau khi khu Đường sông (thuộc Sở GTVT TPHCM) đề xuất đánh giá lại và tận dụng khả năng khai thác vận tải hành khách công cộng của hệ thống sông - kênh - rạch trên địa bàn TP nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Theo khu Đường sông thì với lợi thế sông - kênh - rạch chằng chịt, TPHCM hoàn toàn có thể phát triển một hệ thống buýt trên sông hoàn chỉnh nối các khu vực thường xuyên bị ngăn cách do kẹt xe trong giờ cao điểm, giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ.

Trước đây TPHCM cũng đã từng xuất hiện hình thức vận tải hành khách trong phạm vi nội thị bằng đường sông nhưng do phát triển manh mún, tự phát nên không hiệu quả và sớm thất bại. Do đó, khu Đường sông đang xây dựng phương án phát triển quy mô, toàn diện hơn cho buýt đường sông để khai thác hết tiềm năng sông nước của địa phương.

Tùng Nguyên