1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất xác lập trách nhiệm trả lời chất vấn của Đảng

(Dân trí) – “Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội nhưng không làm thay việc của các cơ quan nhà nước”. “Cần xác lập trách nhiệm trả lời chất vấn của Đảng trước Quốc hội”… các ĐBQH chuyên trách nêu ý kiến góp ý sửa Hiến pháp.

Ngày 14/3 – ngày làm việc thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị góp ý cho dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi của các ĐBQH chuyên trách do UB Thường vụ QH tổ chức. Các ý kiến tập trung nhiều vào nội dung kiểm soát quyền lực nhà nước.

Phân định chức năng Đảng và Nhà nước

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng hầu hết người dân Việt Nam ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng nhưng nhiều người băn khoăn về cơ chế, phương thức cho sự lãnh đạo của Đảng được thể chế trong Hiến pháp và luật như thế nào.

Còn vấn đề Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, ông Hùng cũng đặt câu hỏi, người dân sẽ thực hiện quyền giám sát như thế nào. Đây là việc cần nghiên cứu, thể hiện trong Hiến pháp.

Ông Hùng nêu nguyên lý, quyền lực rất dễ bị tha hóa, bị lợi dụng nên phải làm sao để cả Đảng, Quốc hội, Chính phủ… không lạm quyền. Chế định Hội đồng Hiến pháp, theo đại biểu, chính là cách thức có thể kiểm soát những quyền lực đó, nếu mạnh dạn trao cho cơ quan này những thẩm quyền, sự độc lập tương xứng.
 
Nhiều đại biểu tập trung ý kiến thảo luận vào vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước.
Nhiều đại biểu tập trung ý kiến thảo luận vào vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (đại biểu Hà Nội) nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác. Ông Quyền phân tích, Cương lĩnh chính trị của Đảng đã nêu một định hướng quan trọng, nếu đưa vào Hiến pháp sẽ chặt chẽ, bịt được nhiều khe hở có thể bị khai thác. Định hướng đó là “Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội nhưng không làm thay việc của các cơ quan nhà nước”.

Ông Quyền nhấn mạnh, có cơ chế thể hiện nguyên tắc này trong Hiến pháp sẽ giúp phân định rõ, không lẫn lộn chức năng của Đảng và nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) gợi ý xác lập trách nhiệm trả lời chất vấn của Đảng trước Quốc hội. “Tôi nghĩ việc này hết sức cần thiết để Đảng giải trình trước nhân dân, cơ quan đại diện của nhân dân, đại diện của quyền lực nhà nước” – ông Cương nêu quan điểm dù vẫn nhận định có nhiều cái khó để triển khai việc này vì Quốc hội không hoạt động liên tục, việc giám sát, chất vấn chắc chắn không dễ dàng nhưng không phải không làm được.

Đại biểu cũng góp ý chỉnh sửa Điều 100, quy định về Chính phủ. Theo đó, cơ cấu tổ chức Chính phủ cần xác định bao gồm Thủ tướng, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các thành viên khác thay vì quy định như dự thảo Chính phủ gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng…

Ông Cương phân tích, quy định theo hướng này vừa đề cao được vai trò của Thủ tướng, các Bộ trưởng vừa phát huy được năng lực lãnh đạo tập thể của Chính phủ, để tránh tình trạng mỗi Bộ trưởng chỉ “thuộc” việc của bộ ngành mình, tham gia Chính phủ chỉ với tư thế “cưỡi ngựa xem hoa” trong khi hoạt động của Chính phủ cần không ít sức lực, trí tuệ tập thể.

Ông Cương lập luận: “Xác định như này cũng tránh được xu hướng cần có quá nhiều Phó Thủ tướng để phụ trách lĩnh vực, chặn thói quen “kính chuyển” việc lên Phó Thủ tướng phụ trách xem xét quyết định của các Bộ trưởng. Việc đó sẽ đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng”.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội, một thành viên của Ban Soạn thảo Hiến pháp sửa đổi) giải đáp một số băn khoăn về việc giám sát quyền lực, trước hết là quyền lực của cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, cơ quan nhận quyền lực trực tiếp từ nhân dân – Quốc hội. Ông Thảo khẳng dịnh, nhân dân chính là chủ thể kiểm soát quyền lực thông qua việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các đại biểu.

Ngoài ra, ở Việt Nam, người dân giám sát Quốc hội thông qua Đảng. Nhân dân giao cho Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước để kiểm soát quyền lực của Quốc hội.

“Mô hình Hội đồng Hiến pháp cũng là một mô hình hiện thân, thể chế hóa đường lối quan điểm của Đảng để kiểm soát quyền lực của Quốc hội” – ông Thảo trình bày.

Thu hồi đất vì mục đích kinh tế - “cửa” lạm quyền!

Chuyển sang nội dung về đất đai, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga (đại biểu Thái Nguyên) bày tỏ quan ngại về quy định nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bà Nga phân tích, tuy là quyền phái sinh, tức là quyền của người không phải là chủ sở hữu, nhưng về thực chất quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân hiện nay đã tiệm cận với các quyền năng của chủ sở hữu.

Ở cấp độ Hiến pháp, quyền sử dụng đất với tư cách là một tài sản thì như điều 23 Hiến pháp hiện hành đã quy định, không bị quốc hữu hóa, chỉ có thể trưng mua trưng dụng có bồi thường theo thời giá thị trường trong những trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.

Bà Nga đặt câu hỏi, Hiến pháp hiện hành không có quy định về thu hồi tài sản nói chung và tài sản là quyền sử dụng đất nói riêng, phải chăng tư tưởng là không thừa nhận việc dùng pháp luật hành chính để điều chỉnh vấn đề quyền dân sự thông qua cơ chế thu hồi đất (tức chuyển dịch quyền tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác bằng con đường hành chính)?

Nữ đại biểu phân tích, đặc trưng cơ bản của việc này là mệnh lệnh, phục tùng, không thỏa thuận, do nhà nước ấn định, được đảm bảo thực thi bằng cưỡng chế. Bà Nga cho rằng, đây là một điểm rất đáng lưu ý để có sự đánh giá sâu cả về lý luận và thực tiễn trước khi hiến pháp hóa quy định về thu hồi đất.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp không an tâm với quy định điều chỉnh về lý do thu hồi đất “để phát triển kinh tế” vì cho rằng việc đó quá rộng, dễ bị lạm dụng. Bà Nga nêu quan điểm, việc nhà nước đứng ra thu hồi đất phải “hết sức có giới hạn”, chỉ dừng ở mục đích phục vụ quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng phi lợi nhuận, bỏ hẳn quy định thu hồi cho các dự án phát triển kinh tế xã hội.

P.Thảo