1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề xuất tiền công cao gấp đôi lương cho người làm chứng tại tòa

(Dân trí) - Dự thảo Nghị định định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng nêu rõ, người làm chứng tại phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính có thể nhận lương bằng 200% mức lương cơ sở theo ngày.

Dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính xây dựng, đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan liên quan, chuyên gia và người dân.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất cách tính tiền lương cho người làm chứng theo số ngày thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính. Mức thù lao, tiền công cho việc làm chứng tại phiên họp giải quyết vụ việc và các hoạt động tố tụng khác thấp hơn so với việc làm chứng tại phiên xét xử.

Người làm chứng tại phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ việc hành chính và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, được hưởng chế độ tiền lương, thù lao cho người làm chứng bằng 50% mức chi phí đối với người làm chứng, người phiên dịch khi tham gia phiên tòa.

Tiền lương áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập hoặc do Tòa án triệu tập theo yêu cầu của đương sự đối với người thực hiện giám định, người thực hiện định giá tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính với vai trò người làm chứng. Mức tiền lương cho người làm chứng được hưởng bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.
 
Đề xuất tiền công cao gấp đôi lương cho người làm chứng tại tòa
Trong trường hợp không được hưởng lương, người làm chứng cũng được trả thù lao khi làm chứng tại tòa.

Trong trường hợp không được hưởng tiền lương như quy định, Bộ Tài chính cũng đề xuất, người làm chứng tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính được hưởng thù lao. Mức thù lao được tính bằng 100% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.

Tương tự, mức tiền công, thù lao đối với người phiên dịch (dịch nói và dịch tài liệu bằng tiếng nước ngoài) cũng được quy định. Cơ quan soạn thảo Nghị định đề xuất áp dụng quy định hiện hành về mức chi phí dịch thuật trong chế độ chi tiêu, tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Tiền công đối với người phiên dịch cũng được tính bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định (tính theo ngày lương).

Ngoài ra, người làm chứng, người phiên dịch còn được thanh toán chi phí đi lại, chi phí lưu trú và các chi phí khác theo quy định.

Dự thảo nêu rõ, khi kết thúc công việc làm chứng, phiên dịch được triệu tập tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính và dân sự, người làm chứng, người phiên dịch gửi Hồ sơ đề nghị thanh toán đến cơ quan tiến hành tố tụng để tiến hành thủ tục thanh toán chi phí.

Trong thời hạn tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy đề nghị theo quy định, căn cứ vào kết quả xác định chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch.

Đối với công tác giám định, Bộ Tài chính đồng ý chi tiền lương, tiền thù lao cho cán bộ giám định theo ngày hoặc theo tổng số giờ người đó thực hiện công việc giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng để giải quyết vụ án, vụ việc. Hoạt động giám định cũng được tính chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, vật tư tiêu hao cũng như các chi phí sử dụng dịch vụ khác.

Tiền lương, thù lao chi trả cho người thực hiện công tác định giá được đề xuất cùng mức áp dụng với cán bộ giám định.

P.Thảo