1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Đề xuất tháo dỡ trạm thu phí hầm Thủ Thiêm

(Dân trí) - Đó là đề xuất Sở Giao thông vận tải TPHCM trình UBND TPHCM trong buổi gặp gỡ báo chí sáng nay (19/12). Ngoài ra, Sở cũng đánh giá tình trạng kẹt xe đang ngày càng phức tạp, nhất là vào thời điểm cuối năm và tại các quận trung tâm, trục ra vào cảng hàng không, cảng biển...

Xóa trạm thu phí bỏ hoang nhiều năm

Tại buổi gặp gỡ báo chí định kỳ diễn ra ngày 19/12, Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, do hiện nay Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị thành phố chưa hoàn thành quyết toán dự án xây dựng đại lộ Đông – Tây nên sở vẫn chưa có đủ thẩm quyền để quyết định phương án xử lý các tài sản thuộc trạm thu phí hầm sông Sài Gòn.

Trạm thu phí Thủ Thiêm thuộc dự án đường hầm sông Sài Gòn bị bỏ hoang nhiều năm
Trạm thu phí Thủ Thiêm thuộc dự án đường hầm sông Sài Gòn bị bỏ hoang nhiều năm

Trong khi chờ hoàn tất các thủ tục pháp lý nói trên, Sở GTVT TP đã có văn bản đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép tháo dỡ và tận dụng một số thiết bị để phục vụ công tác chuyên môn của sở.

Trạm thu phí Thủ Thiêm ở đầu hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2) được xây dựng năm 2011. Trạm thu phí được đặt tại đầu hầm phía quận 2, cách cửa hầm 340m, phục vụ tổ chức thu phí cho cả hai chiều lưu thông qua hầm với 10 làn thu phí.

Trạm thu phí đường hầm sông Sài Gòn được xây dựng để thu phí phục vụ việc duy tu, bảo trì đường hầm này.

Đến tháng 9/2012, Sở GTVT TPHCM tổ chức cho thu phí thử nghiệm (không thu tiền) trong khoảng một tháng bằng cách quẹt thẻ. Tuy nhiên, đầu năm 2013, khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, Bộ Giao thông vận tải đã dừng thu phí đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước và trả nợ vay.

Đường hầm sông Sài Gòn được xây dựng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản nên thuộc diện được xóa bỏ thu phí. Dù vậy, trạm thu phí này vẫn nằm trên đường từ đó đến nay...

Phát sinh thêm 2 điểm kẹt xe

Về giảm ùn tắc giao thông, Sở GTVT TP đánh giá tiếp tục diễn biến phức tạp, tình trạng kẹt xe xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của thành phố, các trục ra vào cảng hàng không, cảng biển.

Các công trình cải tạo hạ tầng giao thông, thoát nước có rào chắn thu hẹp mặt đường, trong khi đó, mật độ phương tiện lưu thông tăng cao vào giờ cao điểm nên xe ùn ứ, di chuyển chậm, những sự cố giao thông không được giải quyết kịp thời cũng gây ùn ứ.

Tình hình kẹt xe vẫn là thách thức của TPHCM
Tình hình kẹt xe vẫn là thách thức của TPHCM

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2017, các đơn vị chức năng của thành phố đã phối hợp xử lý, kiểm soát 37 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Qua thời gian thực hiện, Công an Thành phố đã có văn bản đề nghị đưa 5 điểm ra khỏi danh sách 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Trên cơ sở ghi nhận tại hiện trường, Sở GTVT TP nhận thấy có 4/5 điểm có chuyển biến tốt và được thống nhất xóa (Xa lộ Hà Nội – Thảo Điền – Quốc Hương; đường Lã Xuân Oai; đường Quang Trung khu vực chợ Hóc Môn; khu vực cầu Ông Thìn).

Trong số 33 điểm còn lại, có 21 điểm có tình hình chuyển biến tốt, 5 điểm ít chuyển biến và 7 điểm có tình hình giao thông phức tạp. Ngoài 37 điểm nêu trên, thực tế phát sinh thêm 2 điểm có tình hình giao thông phức tạp là đường Dương Bá Trạc (quận 8) và quốc lộ 1 – đoạn cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh).

Cũng theo Sở GTVT TP, 11 tháng năm 2017, toàn thành phố đã xảy ra 3.638 vụ tai nạn giao thông (kể cả va chạm giao thông), làm chết 655 người và bị thương 2.774 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 5 vụ, 95 người chết, 151 người bị thương.

Quốc Anh