Đề xuất tăng thêm 500 tỷ đồng cho dự án nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm

Quốc Anh

(Dân trí) - Dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Thủ Thiêm với quy mô 1.700 chỗ ngồi được đề xuất tăng vốn đầu tư từ 1.508 tỷ đồng lên 1.988 tỷ đồng, kéo dài đến năm 2024.

Đề xuất tăng thêm 500 tỷ đồng cho dự án nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm  - 1

TPHCM đề xuất tăng thêm gần 500 tỷ đồng xây nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm. (Ảnh Phạm Nguyễn)

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM vừa có báo cáo tiến độ thực hiện các dự án trọng tâm, trọng điểm trong 2 tuần cuối tháng 4/2021. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất tăng gần 500 tỷ đồng tại dự án nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm.

Cụ thể, dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch được quyết định chủ trương đầu tư công năm 2018 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM). Công trình có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ, diện tích sử dụng hơn 20.000m2. Ban đầu, dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022.

Sau hơn 2 năm thực hiện dự án và làm việc với các sở ngành liên quan, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM đề xuất UBND TP tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2024.

Đề xuất tăng thêm 500 tỷ đồng cho dự án nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm  - 2

Vị trí nhà hát được xây tại góc cầu Thủ Thiêm 2 (hướng từ quận 1 qua Thủ Thiêm), kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. (Ảnh Phạm Nguyễn)

Cơ quan này cũng kiến nghị UBND TPHCM báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chấp thuận chọn phương án thiết kế để chủ đầu tư sớm, triển lãm các phương án đoạt giải, lấy ý kiến của các chuyên gia và triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây cũng là công trình mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố. Đây là công trình nghệ thuật chuyên ngành đánh dấu điểm hút, điểm đến cho tương lai. Hiện nay các nhà hát không đáp ứng được yêu cầu vì xuống cấp.