1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Đề xuất tăng giá nước sinh hoạt thêm 500-800đ/m3

(Dân trí) - Theo phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt vừa được xây dựng, trình UBND TP, giá nước sinh hoạt tại các hộ dân sử dụng dưới 16m3/tháng sẽ tăng thêm 800đ/m3. Các khu vực tăng nhiều nhất, mỗi m3 nước sử dụng sẽ phải “gánh” thêm 1.000đ.

Chiều 21/3, đại diện UBND TP Hà Nội đã có buổi gặp báo chí để trao đổi về các vấn đề liên quan đến phương án tăng giá nước.

Theo ông Nguyễn Quang Thành, PGĐ Sở Tài chính, có rất nhiều yếu tố tác động đến giá nước hiện nay mà nếu vẫn giữ giá nước như Quyết định 36 QĐ-UB (2005), Công ty Kinh doanh nước sạch sẽ lỗ khoảng hơn 62 tỉ đồng trong năm 2008. Các tính toán của liên ngành dựa trên chi phí sản xuất, chi phí phân xưởng, bán hàng, quản lí doanh nghiệp, thuế,... đã đưa ra chi phí bình quân để làm ra 1m3 nước hiện nay là hơn 4.000 đồng.

Từ tính toán trên, liên ngành đã xây dựng mức giá bán bình quân mới là 4.269,6đ/m3. Theo đó, nước sinh hoạt tại các hộ dân cư được tính theo mức giá luỹ tiến: 16m3 nước đầu tiên/tháng giá thành là 3.600đ/m3 (tăng thêm 800đ); từ trên 16-20m3 giá 4.200đ/m3 (tăng 700đ); từ trên 20-35m3 giá 5.000đ/m3 (tăng 500đ); trên 35m3 giá 8.000đ/m3 (tăng 500đ).

Đối với khu vực cơ quan hành chính nhà nước, giá nước tăng từ 4.000đ/m3 lên 5.000đ/m3. Mức giá nước ở các đơn vị hoạt động sản xuất, đơn vị sự nghiệp cũng tăng thêm 1.000đ/m3. Đối với khu vực kinh doanh, dịch vụ, giá nước tăng từ 7.500đ lên 8.000đ/m3.

Theo ông Thành, số lượng khách hàng tiêu thụ nước dưới 16m3/tháng chiếm gần 67% tổng số khách hàng tư nhân. Các hộ này sẽ được hưởng giá 3.600đ/m3 và Công ty Kinh doanh nước sẽ bù lỗ hơn 400đ/m3 so với giá thành sản xuất.

Thêm nữa, theo phương án điều chỉnh, mỗi khách hàng tiêu thụ dưới 16m3 nước/tháng , tiền nước tăng thêm tối đa 12.800đ/tháng... Từ tính toán này, ông Thành đánh giá, đa số các khách hàng sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do sự thay đổi giá nước lần này.

Theo ông Thành, phương án điều chỉnh giá nước sẽ được thực hiện nếu nhận được sự đồng thuận của báo chí, người dân. Thời điểm tăng giá nước nếu áp dụng, hiện vẫn chưa được ấn định.

Nếu giá điện tăng, sẽ không điều chỉnh giá nước

Theo ông Nguyễn Quang Thành, nếu không tăng giá nước sẽ tạo khó khăn cho việc sản xuất, ảnh hưởng đến việc mở rộng vùng cấp nước của Công ty Kinh doanh nước sạch (hiện nay đáp ứng khoảng 75% nhu cầu của người dân) cũng như việc giảm thất thoát nước. Thêm nữa, việc điều chỉnh giá nước còn tạo điều kiện cho việc thực hiện qui định của Chính phủ về việc các khách hàng sử dụng nước sẽ được miễn phí tiền lắp đặt đoạn đầu nối và đồng hồ đo nước vào nhà, được sửa chữa thay thế miễn phí khi đồng hồ đo nước bị hỏng, không còn chính xác.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về phương án tăng giá nước sau khi tăng giá điện, ông Thành cho rằng, giá điện đã tăng nhiều lần và nếu chờ đợi việc tăng giá điện một lần nữa, hệ thống cấp nước sẽ càng yếu. Ông Thành cũng cam kết, nếu giá điện tăng, việc điều chỉnh giá nước cũng chỉ diễn ra sau đó một thời gian dài.

Liên quan đến nguồn cung cấp nước sạch từ sông Đà của TCT Vinaconex, ông Thành cho biết, thành phố sẽ áp dụng chung một giá khi nguồn này được đưa vào thành phố. Với câu hỏi về việc giá nước tính toán từ nguồn này thấp hơn giá nước hiện hành của thành phố, ông Thành cho rằng, nếu tính cả chi phí lưu thông, hao hụt sẽ cao hơn mức 3.600đ/m3! Theo lãnh đạo Công ty Kinh doanh nước sạch, đến tháng 7 năm nay, nguồn nước sạch khai thác từ sông Đà sẽ được đấu nối vào sử dụng tại Hà Nội.

Vấn đề thất thoát nước với tỉ lệ rất lớn (hiện nay là 30%) khiến giá nước bị đẩy lên cao cũng đã được đặt ra với vị lãnh đạo Sở Tài chính, lãnh đạo Công ty Kinh doanh nước sạch. Câu trả lời là hao hụt do sử dụng cho cứu hoả, vòi công cộng, xúc xả đường ống mới, do việc sử dụng trong các nhà máy nước... và nguyên nhân lớn nhất là do rò rỉ trên đường ống (chiếm 20/30% hao hụt). Việc rò rỉ lớn như vậy có nguyên nhân do nhiều đường ống được sử dụng từ... thời Pháp!

Kim Tân