Đề xuất "siêu đô thị" thuộc thành phố, tránh bị gọi nhầm lẫn

Hoa Lê Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề xuất đưa khái niệm "siêu đô thị" vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, cách gọi thành phố thuộc tỉnh trước đây và thành phố thuộc thành phố như hiện nay sẽ dễ lẫn.

Vì vậy, đại biểu cho rằng nên đưa một khái niệm như "siêu đô thị" vào trong dự thảo luật lần này, để tránh tình trạng phải gọi thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Huân lấy ví dụ như nước ngoài, tiếng Anh dùng từ "Metropolis" là "siêu đô thị". Nước ta có quy định 6 loại đô thị, trong đó có loại đô thị đặc biệt. Đại biểu đặt câu hỏi, những đô thị đặc biệt có nên gọi là "siêu đô thị"?

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị trong phần khái niệm bổ sung "công trình ngầm". Hiện nay, đã định nghĩa "không gian ngầm" nhưng "công trình ngầm" còn bỏ ngỏ.

Đề xuất siêu đô thị thuộc thành phố, tránh bị gọi nhầm lẫn - 1

Đại biểu Đỗ Văn Yên (Ảnh: QH).

Về phạm vi điều chỉnh và khái niệm về đô thị và nông thôn, đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy khái niệm về đô thị và nông thôn trong dự thảo luật còn mang tính truyền thống, chưa phản ánh đầy đủ các sự thay đổi của các vùng bán đô thị và các vùng, khu vực chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị do sự phát triển về kinh tế - xã hội.

Do vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung các định nghĩa hoặc các khái niệm về các vùng chuyển tiếp bán đô thị hoặc các khu vực nông thôn đang dần chuyển đổi, đồng thời làm rõ chức năng của các khu vực này trong quy hoạch tổng thể.

Về quy hoạch không gian ngầm, ông Yên cho biết, dự thảo đề cập đến không gian ngầm, nhưng chưa đề cập chi tiết về quy trình quản lý, khai thác và quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định cụ thể về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm như các vấn đề liên quan đến việc cấp phép xây dựng công trình ngầm, cách thức quản lý và trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Sự phát triển mạnh mẽ của đô thị và không gian ngầm đã trở thành tài nguyên quý giá. Do vậy, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể quyền sở hữu và trách nhiệm của các bên liên quan.

Về điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu nhận thấy việc điều chỉnh quy hoạch trong dự thảo chủ yếu dựa trên các điều kiện cụ thể khi quy hoạch không còn phù hợp với thực tiễn.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định về quy trình điều chỉnh cục bộ và tổng thể cần được chi tiết hóa hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về hạ tầng kỹ thuật hoặc có sự xuất hiện các yếu tố mới như công nghệ thông tin và kinh tế số.

Do đó, ông Yên cho rằng cần bổ sung quy trình điều chỉnh cục bộ và quy định rõ hơn về thời gian xem xét điều chỉnh, đặc biệt đối với khu vực có sự thay đổi đột ngột về quy mô dân số hoặc kinh tế số.

Theo đại biểu, điều này sẽ giúp cho quy hoạch được linh hoạt hơn và đáp ứng nhanh hơn với sự thay đổi qua thực tiễn, bảo đảm phát triển đồng bộ mà không ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đã được phê duyệt.