1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Đề xuất sáp nhập quận 4: Khó khăn là sẽ đụng chạm quyền lợi

(Dân trí) - Ông Đỗ Văn Đạo - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - cho biết: “Tâm lý thủ trưởng thì ai cũng muốn có đông quân, đầy đủ ban bệ bởi mấy ông đâu bỏ tiền ra trả lương. Tách ra thì ai cũng thích nhưng nhập vô thì phản ứng. Khó khăn khi sáp nhập là đụng chạm quyền lợi”.

Mới đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, ông Đỗ Văn Đạo, đã đề cập đến chuyện sáp nhập quận 4 để tiết kiệm biên chế, cơ sở vật chất.

Ông Đạo nhận xét, quận 4 có diện tích chỉ 4km2, dân số chỉ hơn 200.000 người, nhỏ nhất TPHCM. Nếu so về diện tích thì quận 4 còn nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), còn nếu so về dân số thì quận 4 có số dân chưa gấp đôi được phường này...

“Nhưng nếu so về bộ máy thì quận 4 vẫn phải duy trì một bộ máy đầy đủ của quận và của 15 phường trong quận. Cho nên nếu sáp nhập với một quận khác thì tiết kiệm rất nhiều về biên chế, kể cả cơ sở vật chất…” – phát biểu của ông Đạo được dư luận rất quan tâm.


Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Đỗ Văn Đạo

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Đỗ Văn Đạo

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Đạo về vấn đề này.

- Thưa ông, hiện nay ở nhiều nơi đang có xu hướng chia tách do quá trình đô thị hóa nhanh, trước đây TPHCM cũng chia tách quận, tại sao ông lại đề xuất chuyện sáp nhập?

- Chủ trương tinh giản biên chế không mới, từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) cách đây 30 năm, vấn đề tinh giản biên chế đã được đề cập. Tuy nhiên, theo thời gian bộ máy hành chính cứ phình ra.

Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 39 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết 1211. Tinh thần của 2 nghị quyết này là khuyến khích sáp nhập, hạn chế chia tách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Cả chủ trương chính sách và điều kiện thực tế đều cho thấy đã đến lúc chín muồi để sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả hơn. Chủ trương là như vậy nhưng tách ra thì ai cũng thích còn nhập vô thì phản ứng. Việc này đòi hỏi cả quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án, công tác tuyên truyền và quyết tâm thực hiện.

Hơn 10 năm trước, việc quận Tân Bình chia tách thành Tân Bình và Tân Phú khiến tôi phải suy nghĩ. Tân Bình có nhiều phường liền kề với quận Phú Nhuận, quận 3, quận 10, quận 11. Đây đều là các phường đã ổn định từ trước giải phóng. Chúng tôi nghĩ đến phương án cắt một nửa quận Tân Bình để sáp nhập vào các quận liền kề thì không phải sinh ra quận Tân Phú. Thêm 1 quận thì thêm nhà cửa, trụ sở, xe cộ, kinh phí, nhân sự…

Thực tế tại TPHCM đã từng sáp nhập phường, quận nhiều lần rồi, như quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây thành quận Bình Thạnh; quận 1 và quận 2 thành quận 1; quận 7 và quận 8 thành quận 8; hay như quận 1 từ 25 phường còn 10 phường; quận 3 từ 24 phường còn 14 phường…

- Nhưng cũng ý kiến cho rằng việc sáp nhập sẽ làm cho bộ máy hành chính bị quá tải, không đảm bảo phục vụ tốt cho người dân, thưa ông?

- Phải xác định rằng việc sáp nhập là giúp bộ máy tinh gọn, gọn nhưng phải tinh, đảm bảo hiệu quả công việc. Một quận có 4km2 và hơn 200.000 dân còn một quận có 700.000 dân nhưng vẫn hoạt động tốt. Vậy tại sao mình không nghĩ đến việc sáp nhập để tiết kiệm nhà cửa, công sở, kinh phí, con người…?

Như chúng tôi đi khảo sát, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) có hơn 115.000 dân, cán bộ hoạt động không chuyên trách theo quy định là 47 người nhưng ở đây chỉ có 38 người. Người ta tiết kiệm mà công việc vẫn trôi chảy.

TPHCM có các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận, diện tích từ 4-7km2, dân số trên dưới 200.000. Còn có nhiều quận đã ổn định như Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 8 có dân số từ 500.000 - 600.000 người, diện tích gấp mấy lần mà công việc vẫn điều hành tốt.

Vấn đề không phải là không đủ người làm việc mà lương bèo bọt thì người ta không có tâm huyết làm việc. Mà chia tách thì bộ máy, biên chế phình ra thì tiền đâu trả lương. Bây giờ đến lúc chín muồi, ở trung ương đã quyết tâm làm thì ở dưới cũng quyết tâm.

- Thưa ông, vậy những quận nào sẽ được đề xuất sáp nhập?

- Những nơi mới như quận 2, 9, Thủ Đức, Tân Phú là những nơi đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số tiếp tục tăng lên, diện tích cũng rất lớn nên không tính tới chuyện sáp nhập. Đối tượng chúng tôi khảo sát là các quận nội thành cũ với dân số thấp, diện tích nhỏ và nằm gần nhau.

Bí thư Thành ủy đã giao cho Ban Tổ chức Thành ủy cùng Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu cho thành phố. Nơi nào cần nhập thì phải nhập, nơi nào cần tách thì phải tách. Không cứng nhắc nhưng tổng thể toàn thành phố phải tinh gọn lại bộ máy phục vụ việc tinh giản biên chế.

Tất nhiên, việc này nếu có triển khai thì phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục, kể cả lấy ý kiến người dân.

- Ông đánh giá những thuận lợi và khó khăn khi triển khai phương án sáp nhập?

- Sáp nhập là chuyện hết sức nhạy cảm. Khi mình đề xuất thì có nhiều người phản ứng vì không thích. Nhưng đây là thời điểm chín muồi để thực hiện. Chủ trương của Đảng đã có. Trình độ cán bộ bây giờ đã tiêu chuẩn hóa, bài bản hơn. Ngoài ra, hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị, công nghệ thông tin khác xưa rồi…

Hồi xưa cán bộ đánh máy cọc cạch, hư là phải đánh lại. Còn đi xe đạp ra Cần Giờ mất cả ngày, phải ở lại làm việc buổi tối rồi sáng hôm sau về. Đi công tác xa thì xe đò cũng rất khó khăn… Còn hiện nay mọi thứ đã thuận lợi rất nhiều, trình độ của cán bộ đảm đương công việc được hết. Tương lai hướng tới chính quyền điện tử, vậy hà cớ gì chúng ta không làm…

Tất nhiên việc sáp nhập là nhạy cảm và nó đụng chạm đến quyền lợi. Tâm lý ông thủ trưởng nào cũng muốn quân mình đông, đầy đủ ban bệ. Bởi mấy ông đâu bỏ tiền túi ra trả lương.

Tôi thấy nhiều nơi tách xã dù diện tích, dân số không tăng thêm, điều kiện sống cũng không có gì khác biệt. Thậm chí, dân số còn giảm vì người ta đi vào thành phố làm ăn, sinh sống. Sáp nhập sẽ đụng chạm nhưng phải quyết tâm vì lợi ích chung.

- Thưa ông, việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng nhiều đến người dân hay không?

- Người dân không quan tâm nhiều đến việc bộ máy chính quyền có bao nhiêu chức vụ, cán bộ, có bao nhiêu biên chế. Cái người dân quan tâm là dịch vụ hành chính, giải quyết việc đúng hẹn hay không, có bị phiền hà gây khó dễ, có phải tốn tiền hay không…? Mình trong tổ chức thì mình thấy cần phải làm gì để bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm