1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề xuất quy định người đại diện sở hữu đình, chùa

Hà Mỹ

(Dân trí) - Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề xuất dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần quy định đại diện sở hữu di tích, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân như đình, chùa...

Đề xuất được đại biểu Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, nêu tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 12/3. 

Nêu quan điểm di sản văn hóa cũng là một tài sản và cần có người đại diện quyền sở hữu, ông Tiến cho biết riêng hình thức sở hữu toàn dân về di sản văn hóa, nhất là về di tích đình, chùa, miếu… chưa được xác định rõ người đại diện. Trong khi đó, đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân ở các làng, thôn hiện nay.

"Sửa đổi Luật lần này cần phải quy định rõ người đại diện sở hữu", ông Tiến nói. 

Vị đại biểu nêu thực tế cấp cơ sở ở nhiều địa phương đang có sự lúng túng về quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị, làm nảy sinh những hiện tượng tự ý tu sửa di tích, tiếp nhận hiện vật đồ thờ.

Cùng với đó, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang khó khăn, vướng mắc vì chưa xác định được người đại diện của loại hình sở hữu này.

Ông Tiến dẫn thống kê cho thấy năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới chỉ cấp quyền sử dụng đất 15,7% cơ sở tôn giáo và 14,3% cơ sở tín ngưỡng. Vì vậy, ông cho rằng công tác này diễn ra quá chậm.

Đề xuất quy định người đại diện sở hữu đình, chùa - 1

Nguyên Phó giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến nêu ý kiến góp ý cho dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), sáng 12/3 (Ảnh: Quang Vinh).

Ngoài ra, dự thảo Luật lần này đã viết rõ hơn về điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, nhưng ông Tiến đặt câu hỏi khi cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thì cần quy định rõ hình thức văn bản là quyết định hay công văn.

"Việc này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng khi điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ, di dời hộ dân giải phóng mặt bằng ở khu di tích", theo nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. 

Ông Tiến đồng thời kiến nghị các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật. Ông nhấn mạnh làm tốt được việc này thì sẽ góp phần giảm tình trạng mất cắp hiện vật và cổ vật ở các di tích.

"Không thể có quy hoạch khảo cổ"

Quan tâm đến lĩnh vực khảo cổ được quy định trong dự thảo Luật, PGS.TS Nguyễn Lân Cường dẫn điều 37 khoản 1 quy định việc thăm dò, khai quật khảo cổ phải phù hợp với quy hoạch khảo cổ.

"Tôi công tác ở Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam tròn 60 năm nhưng chưa bao giờ chúng ta có được quy hoạch khảo cổ và mãi sau này chắc chắn cũng không thể có được", ông Cường nói và lý giải hiện vật khảo cổ nằm trong đất, trong nước nên không thể biết được ở chỗ nào có di tích, hiện vật hay trữ lượng cụ thể để làm quy hoạch. 

Đề xuất quy định người đại diện sở hữu đình, chùa - 2

PGS.TS Nguyễn Lân Cường phản biện một số quy định liên quan lĩnh vực khảo cổ (Ảnh: Hà Mỹ).

Theo ông, di tích khảo cổ thường được người dân phát hiện và các nhà khảo cổ đến để đào các hố thám sát, lúc đó mới biết được quy mô của di chỉ. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định nếu quy hoạch khảo cổ thì phải đóng cọc mốc. 

PGS Nguyễn Lân Cường đặt câu hỏi nếu phát hiện được các di tích nằm trong khu dân cư hay trong rừng sâu, thì liệu có đóng cọc mốc để quy hoạch được không?

Ông cho rằng quy định chỉ nên nói đến việc kiểm kê lại các địa điểm khảo cổ học. 

Nhấn mạnh nghiên cứu, khai quật khảo cổ học là công việc thường xuyên của ngành khảo cổ học ở nước ta cũng như các nước trên thế giới, vị chuyên gia cho rằng đặt ra vấn đề quy hoạch chính là làm cản trở chính sách nghiên cứu khoa học của Nhà nước. 

Đề xuất quy định người đại diện sở hữu đình, chùa - 3

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tóm tắt dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (Ảnh: Hà Mỹ).

Cho ý kiến tổng quát hơn, GS Trần Ngọc Đường, Chủ tịch Hội đồng Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nhận định nội dung của dự thảo Luật nặng quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của các chủ thể sở hữu di sản văn hóa. 

Trong khi đó, nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa không được quy định rõ. Ông Đường đặt câu hỏi hầu hết điều luật có hai chữ "phát huy" nhưng nội dung của phát huy là phải làm gì, làm như thế nào không thấy quy định. 

Ông cũng đặt vấn đề việc "bắt tay" giữa di sản văn hóa và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh… Dù vậy, việc này chưa được luật hóa để hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản. 

Ông Đường dẫn ý kiến của những người nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực này cho rằng nếu nghiên cứu đưa di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật Di sản văn hóa, các quy định về chính sách đầu tư, chính sách về bản quyền… sẽ thúc đẩy người làm công nghệ có sản phẩm số hóa mang tính ứng dụng cao trong đời sống.