Đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư các nhà máy điện hạt nhân
(Dân trí) - Bên cạnh độc quyền đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu và nguồn, lưới điện khẩn cấp, Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, theo dự thảo Luật Điện lực sửa đổi.
Luật Điện lực (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36, chiều 19/8. Nội dung mới được đề cập trong dự thảo Luật này là việc phát triển điện hạt nhân - một trong số các loại điện năng lượng mới.
Đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định về phát triển điện hạt nhân
Khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật (Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực) nêu rõ để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân, dự án nhà máy thủy điện đa mục tiêu, dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, lưới điện truyền tải quan trọng…
Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc quy định về điện hạt nhân trong dự thảo luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ các quy định đối với điện hạt nhân trong các điều khoản của luật, nghiên cứu, quy định nguyên tắc trong luật này dẫn chiếu Luật Năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần cung cấp căn cứ chính trị, cơ sở khoa học, công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ việc triển khai các dự án điện hạt nhân.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định đối với việc phát triển điện hạt nhân.
Tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng miền
Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Điện lực đã bổ sung quy định chính sách về giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giữa các vùng miền.
Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị cũng đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền, nhằm áp dụng cơ chế giá điện phù hợp với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao.
Dự thảo luật sửa đổi bổ sung quy định theo hướng giá điện phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực và được thực hiện minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực.
Theo cơ quan thẩm tra, hiện giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường. Giá bán lẻ điện chưa phản ánh đủ các chi phí từ sản xuất tới tiêu thụ điện và chưa đưa ra các tín hiệu thu hút đầu tư vào ngành này, cũng như các đối tượng tham gia thị trường điện. Mặt khác, nhiều dự án điện đầu tư chưa đúng, dẫn đến không đưa vào sử dụng, gây lãng phí lớn cho xã hội.
Đánh giá dự thảo luật đã bổ sung nội dung về chính sách của Nhà nước trong phát triển điện lực; quy định về xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, song Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng nội dung về giảm bù chéo giá điện chưa thể hiện cụ thể tại dự thảo luật.
"Dự thảo luật cũng cần có quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng xã hội và đảm bảo nguyên tắc thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất", Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị.
Cơ quan này cũng cho rằng luật sửa đổi cần bổ sung quy định về giá điện hai thành phần, giá điện nhập khẩu và xuất khẩu.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương với 121 điều, dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Đề xuất Chính phủ có thẩm quyền quyết định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện
Theo Luật Điện lực hiện hành, Thủ tướng có thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phân cấp quyết định điều chỉnh.
Tuy nhiên, điện là loại hàng hóa thiết yếu nên việc điều chỉnh giá chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, việc điều hành, quyết định điều chỉnh giá điện cần được xem xét, đánh giá tổng thể.
Vì thế, dự thảo luật sửa đổi đề xuất Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền theo từng mức điều chỉnh giá.