1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất miễn giảm thuế chưa “cứu” được đối tượng khó khăn

(Dân trí) - Theo đề xuất của Chính phủ, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, mục tiêu này khó đạt được.

Đề xuất miễn giảm thuế chưa “cứu” được đối tượng khó khăn - 1
Người được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân chỉ hơn 100.000đ/tháng, không đáng kể.
 
Trước hết, theo UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với những người có thu nhập đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 không tác động đến đa số người có thu nhập, người lao động nghèo và số đông người làm công ăn lương vì những đối tượng này không thuộc diện chịu thuế.

Mặt khác, do số tiền thuế phải nộp ở bậc 1 là không cao nên việc miễn thuế không mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho người nộp thuế. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển lấy ví dụ, một người có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, sau khi trừ bảo hiểm, các khoản chi khác (khoảng 1 triệu đồng), trừ cho người nộp thuế 4 triệu đồng, trừ cho 2 người phụ thuộc 3,2 triệu đồng, khoản thu nhập tính thuế còn lại 2,8 triệu đồng. Với thuế suất bậc 1 là 5% thì số thuế thu nhập cá nhân sẽ phải nộp chỉ là 140.000đ. Số tiền thuế được miễn nếu có chỉ mang tính chất động viên và ước tính mỗi tháng người nộp thuế chỉ được giảm số tiền không đáng kể.

Việc hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp cũng được cho là không giải quyết được tận gốc khó khăn cho doanh nghiệp vì vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất vay hiện quá cao. Mặt khác, mức thuế miễn, giảm không lớn và phần lớn các doanh nghiệp đang khó khăn cần sự hỗ trợ lại là các doanh nghiệp không có thu nhập. Khi đã không có thu nhập chịu thuế thì doanh nghiệp không thuộc diện được hưởng ưu đãi về thuế theo nội dung hỗ trợ này.

Thứ hai, theo UB Tài chính - Ngân sách, việc lồng ghép quá nhiều chính sách xã hội vào chính sách thuế sẽ không đảm bảo tính trung lập của thuế. Điều chỉnh thuế thường xuyên cũng ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách và hệ thống pháp luật.

Thêm nữa, việc miễn giảm thuế tại thời điểm hiện nay cho một số đối tượng sẽ khó bảo đảm tính khả thi, thiếu chặt chẽ trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực và gây nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Theo đó, việc miễn giảm cho các hộ khoán thuế và điều kiện để được miễn, giảm là các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp cam kết giữ ổn định mức giá bán, cho thuê như cuối 2010. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các cơ sở này đều tăng giá cung cấp dịch vụ so với thời điểm cuối năm 2010.

Việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT về nguyên tắc có thể tạo điều kiện gián tiếp để giải quyết khó khăn cho người lao động, học sinh, sinh viên thông qua việc không tăng giá dịch vụ. Tuy nhiên việc miễn giảm nếu không đi kèm các biện pháp kiểm soát hữu hiệu, các hình thức chế tài đủ mạnh sẽ dẫn đến hụt thu ngân sách.
 
Đề xuất miễn giảm thuế chưa “cứu” được đối tượng khó khăn - 2
Chủ nhà trọ được miễn giảm thuế hầu hết đã kịp tăng giá nhà từ cuối 2010.

Cuối cùng, việc miễn giảm, theo dự kiến chỉ bằng 1/10 số miễn, giảm, giãn khi kích cầu năm 2009, số tiền giãn thuế chỉ bằng 1/3 nên sức lan tỏa của chính sách không cao nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách. Trong bối cảnh khai thác nguồn thu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc hụt thu lớn là điều đáng lo ngại và cần được cân nhắc, nhất là khi Chính phủ chưa có phương án bù đắp cụ thể.

Đi vào nội dung cụ thể, về giảm 30% số thuế phải nộp năm 2010 đối với các doanh nghiệp gia hạn nộp thuế hồi đầu năm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chỉ xem xét miễn thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (236.500 doanh nghiệp), không miễn đối với toàn bộ doanh nghiệp thuộc diện gia hạn nộp thuế vì các doanh nghiệp thuộc diện phải nộp thuế là các doanh nghiệp làm ăn có lãi, có thu nhập. Trong thực tế cho thấy, các doanh nghiệp gặp khó khăn là các doanh nghiệp không có thu nhập. Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, nếu miễn toàn bộ cho số doanh nghiệp này thì hụt thu lên tới 3.700 tỷ đồng.
 
Một đề xuất khác của Chính phủ là giảm 50% mức thuế khoán thuế VAT, thuế TNDN, thuế TNCN 5 tháng (từ 1/8 đến hết 31/12/2011)đối với các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhà trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện cam kết giữ ổn định mức giá cho thuê, mức giá trông, giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010.

“Gật đầu” với khoản này nhưng đa số thành viên UB tài chính ngân sách cũng yêu cầu có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và quy định chế tài đủ mạnh để chính sách hỗ trợ này đến được với người lao động, học sinh, sinh viên.

Một số ý kiến của UB lại đề nghị cân nhắc thêm việc giảm 50% mức thuế khoán vì việc  miễn giảm này đi kèm cam kết giữ ổn định mức giá bán, cho thuê như cuối 2010. Trên thực tế, hầu hết các cơ sở kinh doanh nhà trọ, trông giữ trẻ… này đều tăng giá cung cấp dịch vụ so với thời điểm cuối năm 2010.

Mức thu thuế khoán là mức khá thấp, việc miễn là không hợp lý, trong khi giảm 50% sẽ gây hụt thu ngân sách 900 tỷ đồng.
 

Không nên miễn thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

Về đề xuất miễn thuế đối với cổ tức được chia từ đầu tư vào thị trường chứng khoán và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư vốn trực tiếp vào kinh doanh; bảo đảm bình đẳng với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, nhiều ý kiến .trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đồng tình.

Với đề xuất miễn toàn bộ thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (không thu thuế 20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng), nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nên cân nhắc kỹ. Trường hợp thật cần thiết thì có thể giảm thuế với một tỷ lệ nhất định mà không miễn toàn bộ vì: Chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Mà đã là kinh doanh thì về nguyên tắc, khi có lợi nhuận phải nộp thuế trên lợi nhuận thu được. Do vậy, việc miễn toàn bộ thuế là chưa công bằng với nhiều lĩnh vực khác.

Phương Thảo – Kim Tân