Đề xuất lắp điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở hành chính ở TPHCM

Hoài Thu

(Dân trí) - Trong nhóm chính sách đặc thù mới cho TPHCM, Chính phủ đề xuất cho phép sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, cung cấp điện phục vụ hoạt động của trụ sở.

Sáng 26/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 2 nhóm chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể - là những cơ chế, chính sách đặc thù mới tạo động lực cho TPHCM phát triển.

Hai nhóm gồm các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và các chính sách tại nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác hay các dự thảo luật trình Quốc hội.

Đề xuất lắp điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở hành chính ở TPHCM - 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo phương án Chính phủ trình ra Quốc hội, có 4 nhóm chính sách mới lần đầu được quy định với 4 nhóm vấn đề: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.

Trong các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa (gồm 27 cơ chế chính sách), Chính phủ đề xuất cho TPHCM được dùng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.

Cũng liên quan chính sách về giao thông, TPHCM được áp dụng hợp đồng BOT với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng…

Chính phủ cũng đề xuất cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; tín chỉ carbon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố hưởng 100%.

Đáng lưu ý, lần này, Chính phủ đề xuất cho phép sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.

Liên quan đến quy định số lượng cấp phó của UBND Thành phố và UBND phường, xã, thị trấn, TPHCM được trao quyền chủ động nhưng phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề xuất hiệu lực của nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TPHCM được thực hiện trong 5 năm.

Hồi năm 2017, TPHCM cũng được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TPHCM.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy tác dụng do nhiều vướng mắc, và nhiều nguyên nhân gồm cả khách quan và chủ quan.