Chọn TPHCM thí điểm việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Hoài Thu

(Dân trí) - Hiện nay, Bộ Nội vụ được giao xây dựng Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TPHCM làm thí điểm.

Sáng nay (26/5), Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội sau đó sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Trong báo cáo thẩm tra tóm tắt gửi tới các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý việc ban hành nghị quyết lần này cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển TPHCM, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ thời gian qua, song tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm.

TPHCM được linh hoạt quyết định quy hoạch nhà ở xã hội

Cũng theo cơ quan thẩm tra, chính sách mới cần "mang tính đột phá", "vượt trội" nhưng cũng cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh lưu ý chính sách phải mang tính lan tỏa, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hiện nay, Bộ Nội vụ được giao xây dựng Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TPHCM làm thí điểm.

Chọn TPHCM thí điểm việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm - 1

TPHCM sẽ được chọn là nơi để thí điểm việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm (Ảnh: Hải Long).

Trong nhóm các cơ chế đặc thù được trình, Chính phủ đề xuất cho TPHCM sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để bổ sung kế hoạch đầu tư công. Song nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách lo ngại việc này sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa TPHCM và 62 địa phương khác. Do đó, đề nghị không quy định nội dung này tại dự thảo Nghị quyết.

Trái lại, có ý kiến khác cho rằng cơ chế này là cần thiết nhằm tạo cơ chế rõ ràng, rút ngắn quy trình bổ sung dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo đó, HĐND thành phố có thể chủ động quyết định mà không cần phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách thành phố.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, pháp luật hiện hành quy định dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Song lần này, Chính phủ đề xuất TPHCM không nhất thiết áp theo quy định này mà có thể quyết định linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn.

Cơ quan thẩm tra cho biết đa số ý kiến e ngại trong một số trường hợp, quy định này chưa phù hợp thực tiễn, nhất là những dự án có quy mô nhỏ hoặc nằm trong khu đất có giá trị thương mại lớn, gây khó khăn cho người thuộc đối tượng ở nhà ở xã hội khi phải trả phí dịch vụ cao cấp.

Để tạo chủ động, những ý kiến này tán thành thí điểm giao thành phố linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trong báo cáo trình Chính phủ lần này, Chính phủ đề xuất sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công trên địa bàn để đặt hệ thống điện mặt trời. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí chủ trương này nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phát triển xanh.

Song để đảm bảo căn cứ triển khai thực hiện, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị làm rõ nguồn lực thực hiện việc chuyển đổi; cần có giải pháp xử lý kỹ thuật, tránh quá tải, mất an toàn lưới điện và phải bảo đảm không gây hậu quả cho môi trường.

Đề xuất miễn, giảm thuế với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngoài những đề xuất trên, Chính phủ cho biết dự thảo nghị quyết lần này bổ sung quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của TPHCM.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Chọn TPHCM thí điểm việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm - 2

TPHCM được đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mới thay cho Nghị quyết 54 ban hành hồi năm 2017 (Ảnh: Hải Long).

Về cơ cấu - tổ chức hành chính, TPHCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Dự thảo quy định số lượng cấp phó của UBND TPHCM và UBND phường, xã, thị trấn; quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường.

Theo cơ chế Chính phủ trình, TPHCM cũng được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; quy định việc HĐND TPHCM thành lập một số ban, phòng ban, văn phòng thuộc TP Thủ Đức.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý Chính phủ cần lựa chọn chính sách đặc thù có trọng tâm, tránh dàn trải, bởi xét về số lượng chính sách như Chính phủ trình là tương đối rộng.

Cơ quan thẩm tra cho rằng cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng của TPHCM, tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách Trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

"Mặc dù rất cần một cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, cần thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao, song tránh tạo chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người lao động", theo cơ quan thẩm tra.

Cũng trong sáng 26/5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.