Đề xuất lãnh đạo nhận "tín nhiệm thấp", không quá 10 ngày phải xin từ chức

Hoài Thu

(Dân trí) - Dự thảo nghị quyết mới về việc lấy phiếu tín nhiệm quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức, trong thời gian không quá 10 ngày.

Ban Công tác đại biểu đã có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 11/5.

Dự thảo nghị quyết mới được xây dựng để kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật, cũng như khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết 85 được ban hành từ năm 2014.

Nếu tín nhiệm thấp, không quá 10 ngày phải từ chức

Điểm mới đáng chú ý của tờ trình lần này là quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và thời hạn, thời điểm thực hiện.

Trước đó, Nghị quyết 85 quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp", có thể xin từ chức.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp", thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Đề xuất lãnh đạo nhận tín nhiệm thấp, không quá 10 ngày phải xin từ chức - 1

Hình ảnh các đại biểu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quốc hội).

Theo Ban Công tác đại biểu, quy định này dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước. Do đó, cơ quan này đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm thực hiện khi có hệ quả với người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức.

Việc xin từ chức được thực hiện trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Trường hợp không từ chức, Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp", cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Một điểm mới nữa là dự thảo nghị quyết bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dự thảo cũng bổ sung chức danh Tổng Thư ký Quốc hội vào phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.

48 lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm, không ai "tín nhiệm thấp"

Qua quá trình tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 85, Ban Công tác đại biểu thống kê tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48/50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Thời điểm đó, Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn nên chưa đủ thời gian để lấy phiếu theo quy định.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 48 người, không có trường hợp nào có trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp.

Ở HĐND các cấp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 99.836 người, hầu hết đạt trên 50% số phiếu "tín nhiệm cao". Tỷ lệ người có số phiếu "tín nhiệm thấp" ở các cấp ở cấp tỉnh chỉ có 2/1.750 người (chiếm tỷ lệ 0,11%); ở cấp huyện có 25/13.852 người (chiếm tỷ lệ 0,18%); ở cấp xã có 186/84.234 người, (chiếm tỷ lệ 0,22%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Công tác đại biểu cho rằng quá trình thực hiện Nghị quyết 85 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Điển hình như phiếu lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm còn sử dụng cùng một tên (Phiếu tín nhiệm) nên dễ dẫn đến nhầm lẫn. Việc hướng dẫn triển khai hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa kịp thời nên còn gây lúng túng.

Bên cạnh đó, biểu mẫu báo cáo kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm còn chung chung, chưa cụ thể nên một số báo cáo còn sơ sài, chưa nêu rõ được những tồn tại, hạn chế của bản thân và phương hướng khắc phục trong thời gian tới, gây khó khăn cho đại biểu trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm.