1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất làm thẻ vé liên thông để thu phí vào nội đô Hà Nội

Thế Hưng

(Dân trí) - Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Giao thông vận tải xây dựng đang đề xuất làm "Thẻ vé liên thông" từ năm 2024 để phục vụ thu phí nội đô.

Tại tọa đàm "Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững" do Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức ngày 22/11, bản đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được công bố.

Theo đó, ITS (Hệ thống giao thông thông minh) gồm 4 phần chính: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.

Đề án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 (2027-2030) và giai đoạn 3 (2030-2045) sẽ tiến hành thu phí phương tiện vào nội đô.

Đề xuất làm thẻ vé liên thông để thu phí vào nội đô Hà Nội - 1

Đề xuất làm "Thẻ vé liên thông" để thu phí nội đô từ 2024 (Ảnh minh họa: Thế Hưng).

Để phục vụ việc thu phí nội đô cho giai đoạn 2 và 3, đề án đề xuất phương án thanh toán điện tử, thay thế phương thức thanh toán bằng vé trong tham gia giao thông, giúp lưu thông nhanh chóng, thuận tiện.

Việc thanh toán điện tử sẽ thực hiện khi ô tô qua các trạm thu phí nội đô dưới hình thức thẻ vé liên thông trong tham gia giao thông. Nguồn kinh phí triển khai từ các doanh nghiệp.

Theo đề xuất, thời gian thực hiện thẻ vé liên thông dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2024 đến năm 2026. Đối tượng phục vụ của phương thức thanh toán này sẽ là người tham gia giao thông, doanh nghiệp, cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đề án cho rằng, trước khi triển khai cần làm rõ phạm vi của thẻ vé liên thông? Các loại hình phương tiện công cộng nào có thể liên thông? Giới hạn trong phạm vi thành phố như thế nào? Có tích hợp các dịch vụ ITS khác không (như hệ thống thu phí không dừng, thu phí nội đô…)?

Để triển khai thu phí nội đô, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng phần mềm mô phỏng trực tuyến Bản sao số cho hệ thống giao thông Hà Nội; nâng cấp trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp của Hà Nội; đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát, điều hành giao thông.

Việc tăng cường thiết bị giám sát sẽ bao gồm lắp đặt bổ sung các bảng báo điện tử thông báo tình trạng giao thông, chỉ dẫn đường đi trước các nút quan trọng, các điểm nhập làn đường vành đai…; lắp đặt bổ sung hệ thống camera và đèn tín hiệu cho một số các nút giao thông; lắp đặt các trạm quan trắc thời tiết và môi trường giao thông; tăng cường trang thiết bị hỗ trợ người tham gia giao thông dễ bị tổn thương và người khuyết tật.

Nhận định về việc thu phí vào nội đô, TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, cho rằng thu phí nội đô hay thu phí ùn tắc được áp dụng ở nhiều thành phố trên thế giới như Stockholm, London, Singapore, các thành phố của Ý, Na Uy... với nguyên lý người lái xe có ý định đi vào khu vực thu phí nào đó sẽ phải thanh toán trước một khoản phí qua điện thoại.

Cũng theo ông Chung, tại London (Anh) từ năm 2003 đã triển khai khu vực "thu phí tắc nghẽn" nhằm nỗ lực hướng người lái xe ô tô cá nhân chuyển sang các phương tiện di chuyển khác.

Cụ thể các phương tiện đi vào khu vực nội đô từ 7h sáng đến 10h tối mỗi ngày sẽ bị tính phí cố định hàng ngày là 15 bảng Anh. Kết quả, số lượng ô tô cá nhân đi vào nội thành London đã giảm 39% từ năm 2002 đến 2014 và lưu lượng giao thông trong khu vực thu phí trong năm 2017 thấp hơn 22% so với một thập kỷ trước đó.

Ông Chung khẳng định, việc thu phí ùn tắc sẽ thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giúp giao thông công cộng phát triển.