1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất giữ quy định "không đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke"

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ VH-TT&DL đồng ý giữ lại quy định "không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ)" khi sửa Nghị định 54/2019 về kinh doanh karaoke, vũ trường.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Bộ này cho biết, một số quy định tại Nghị định 54 đã phát sinh vướng mắc, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực karaoke, vũ trường. Giữa tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ VH-TT&DL nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.

Đề xuất giữ quy định không đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke - 1

Đề xuất bỏ quy định về diện tích phòng hát karaoke, phòng vũ trường và điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200m trở lên (Ảnh minh họa: Nguyễn Trường).

Bãi bỏ quy định diện tích phòng hát karaoke, vũ trường

Dự thảo nghị định đề xuất bãi bỏ các điều kiện "phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ", "phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ" và "điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200m trở lên".

Cơ quan soạn thảo lý giải, các quy định đó gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đa số các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình.

Qua đánh giá của Bộ VH-TT&DL, các điều kiện đó cũng không có ý nghĩa cho việc đảm bảo tăng cường công tác PCCC tại cơ sở.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.

Trường hợp hồ sơ đầy đủ, trong thời hạn 7 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải thành lập đoàn thẩm định thực tế tại địa điểm kinh doanh. Thành phần đoàn thẩm định không quá 7 thành viên, gồm đại diện cơ quan công an, văn hóa, xây dựng và các cơ quan khác có liên quan.

Trong vòng 3 ngày kể từ khi có kết quả thẩm định, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm cấp giấy phép; nếu không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn áp dụng, liên quan đến PCCC tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường.

Gửi văn bản góp ý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kiến nghị giữ nguyên quy định chốt cửa tại phòng hát karaoke (khoản 4, Điều 4 Nghị định 54).

Ông Đức phân tích, hiện nay tệ nạn trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke diễn biến phức tạp, biến tướng nên việc bỏ quy định này sẽ gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở kinh doanh.

Theo ông Đức, thời gian qua, xuất hiện nhiều hoạt động như "hát cho nhau nghe", hát tại các quán ăn, nhà hàng, các câu lạc bộ, quán bar, quán rượu, các hình thức hát loa kéo, nhà hàng nhưng chưa có quy định cụ thể về điều kiện, quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ kết hợp âm nhạc này.

Điều đó gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước nên cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm các từ ngữ về "dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường".

Tiếp thu, Bộ VH-TT&DL đồng ý giữ nguyên quy định "không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động" đang quy định tại Nghị định 54/2019.

Còn với việc xuất hiện những hình thức "hát cho nhau nghe", loa kẹo kéo, cơ quan soạn thảo khẳng định, các cơ sở kinh doanh karaoke chuyển đổi công năng hoặc biểu diễn là không phù hợp với Nghị định 54. Khi đó, các cơ quan chức năng tại địa phương cần kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Đề xuất giữ quy định không đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke - 2

Lãnh đạo TPHCM nêu thực tế, xuất hiện nhiều hoạt động như "hát cho nhau nghe", hát tại các quán ăn, nhà hàng, các câu lạc bộ, quán bar, quán rượu, các hình thức hát loa kéo nhưng chưa có quy định cụ thể gây khó khăn trong quản lý (Ảnh: Văn hóa).

Sẽ bỏ quy định vũ trường phải cách trường học 200m?

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữ lại quy định "địa điểm kinh doanh dịch vụ vũ trường phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa từ 200m trở lên".

Ông Hồng nêu thực tế, kinh doanh vũ trường thường sử dụng nhạc mạnh có độ ồn và độ rung lớn, ảnh hưởng đến cộng đồng khu vực xung quanh, đặc biệt những nơi cần yên tĩnh như trường học, bệnh viện…

Cơ quan chức năng gặp khó khi quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm với cơ sở sử dụng nhạc mạnh do chưa có phương tiện hữu hiệu đo cường độ, âm lượng của độ ồn, độ rung của âm thanh phát ra.

Không đồng tình, Bộ VH-TT&DL vẫn quyết định bỏ quy định địa điểm kinh doanh vũ trường phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích từ 200m trở lên vì "không còn phù hợp với thực tế".

Dự thảo nghị định này sẽ được Bộ Tư pháp thẩm định trong thời gian tới.

 Tránh xảy ra tình trạng nghị định "chờ" thông tư

Bộ Tư pháp đề nghị quy định ngay tại dự thảo nghị định những vấn đề liên quan đến hoạt động của đoàn thẩm định cấp giấy phép thay vì giao lại cho Bộ VH-TT&DL ban hành. Điều đó nhằm đảm bảo khi nghị định được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực áp dụng ngay, tránh xảy ra tình trạng nghị định "chờ" thông tư.

Tiếp thu ý kiến, Bộ VH-TT&DL đã bổ sung mẫu biên bản thẩm định vào phụ lục kèm theo dự thảo; đồng thời giao UBND cấp tỉnh trách nhiệm quy định cụ thể thành phần, quy chế hoạt động của đoàn thẩm định.

"Do đó, các địa phương có thể áp dụng ngay quy định sau khi nghị định được ban hành", Bộ này tin tưởng.