Đề xuất giao dịch bất động sản từ 400 triệu đồng trở lên phải chuyển khoản
(Dân trí) - Tiến sĩ - Công chứng viên Hoàng Văn Hữu đề xuất các giao dịch liên quan tới bất động sản; tặng cho tiền; cho vay tài sản… có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên cần bắt buộc phải thực hiện chuyển khoản.
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công chứng do Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tổ chức ngày 23/9, Tiến sĩ - Công chứng viên Hoàng Văn Hữu, Trưởng văn phòng Công chứng Gia Khánh (Hà Nội), trình bày tham luận tham luận đáng chú ý về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong hoạt động công chứng theo pháp luật Việt Nam.
Theo ông Hữu, tổ chức hành nghề công chứng phải nhận biết khách hàng khi thực hiện thủ tục công chứng liên quan tới giao dịch về tài sản. Cụ thể là khi công chứng hợp đồng cho vay tiền, tặng cho tiền, tặng tài sản, chuyển nhượng tài sản, đặc biệt các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất.
"Trong hoạt động công chứng, những giao dịch về tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, ô tô, cổ phần, phần vốn góp trong công ty… là nơi trú ẩn và có thể được các thủ phạm thực hiện rửa tiền hữu hiệu nhất. Công chứng viên cần nhận biết được những dấu hiệu đáng ngờ với các giao dịch đó", ông Hữu nói.
Ông Hữu dẫn chứng, khi công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản có thể xuất hiện những dấu hiệu đáng ngờ: Giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả; khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan đến bất động sản; giá giao dịch giữa các bên không phù hợp với giá thị trường…
Dù pháp luật hiện hành quy định quá trình thực hiện thủ tục công chứng những giao dịch phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là từ 400 triệu đồng trở lên để góp phần phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Nhưng theo ông Hữu, vì nhiều lý do khác nhau việc báo cáo phát sinh thủ tục, khó xác định giao dịch đáng ngờ để báo cáo.
"Các nhà làm luật cần quy định đối với các giao dịch liên quan tới bất động sản (mua bán, chuyển nhượng); tặng cho tiền, cho vay tài sản; giao dịch khác có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên cần quy định các bên bắt buộc phải thực hiện theo phương thức chuyển khoản. Khi công chứng hoặc đăng ký sang tên thì các bên phải xuất trình các chứng từ này để chứng minh. Các hình thức thanh toán khác giữa các bên không được pháp luật công nhận", ông Hữu đề xuất.
Ông Hữu tin tưởng quy định như vậy sẽ khiến các bên tham gia giao dịch phải thực hiện mở tài khoản, thanh toán bằng chuyển khoản và Nhà nước sẽ quản lý được dòng tiền của các bên tham gia giao dịch. Các tổ chức tín dụng cũng dễ dàng nhận diện được hành vi rửa tiền hơn.
"Quy định như vậy cũng tránh được tình trạng trốn thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển dịch tài sản giữa các bên", ông Hữu nói.
Ngoài ra, Tiến sĩ Hoàng Văn Hữu đề nghị các cơ quan như ngân hàng, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử… khi phát hiện các đối tượng liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cần thông báo cho Sở Tư pháp để cập nhật, cảnh báo rủi ro, ngăn chặn thực hiện giao dịch liên quan tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Tại hội thảo, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và Hiệp hội Công chứng Liên bang Đức đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đánh giá việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác với mục đích kết hợp chặt chẽ việc phát triển và củng cố hệ thống công chứng, giấy tờ công chứng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức hai nước.
Phạm vi hợp tác bao gồm các hoạt động độc lập, các hoạt động được phê duyệt trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế, đối thoại giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Đức.
Ông Thiện kỳ vọng việc ký kết sẽ gắn kết mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam và Liên bang Đức.