1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất ga Hà Nội là điểm đầu đường sắt tốc độ cao thay cho ga Ngọc Hồi

Ngọc Tân

(Dân trí) - Tư vấn lo ngại việc bố trí ga đầu của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cách trung tâm Hà Nội 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút khách đi tàu.

Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến về Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội, trong đó đề cập đến tương lai của ga Hà Nội khi hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Vừa qua, quy hoạch mạng lưới đường sắt (QH1769) đã định hướng chuyển đổi công năng toàn bộ đoạn tuyến đường sắt đi trong nội đô thành đường sắt đô thị, đồng thời xác định ga Ngọc Hồi là ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đề xuất ga Hà Nội là điểm đầu đường sắt tốc độ cao thay cho ga Ngọc Hồi - 1

Vị trí Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ) được quy hoạch từ thời Pháp (Ảnh: N.T).

Tuy nhiên, theo đánh giá của liên danh tư vấn TEDI - CCTDI, việc bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi, cách xa trung tâm Hà Nội khoảng 10km, sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía Bắc sông Hồng. 

Qua tìm hiểu kinh nghiệm phát triển đường sắt trên thế giới cho thấy, đối với loại hình dịch vụ tàu tốc độ cao thường được bố trí tiếp cận sâu trong trung tâm các thành phố lớn như Bắc Kinh, Berlin, Tokyo, Paris…

Do đó, Liên danh Tư vấn đề xuất giữ lại hành lang đường sắt Ngọc Hồi - Ga Hà Nội để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận tới ga Hà Nội.

"Loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay. Trên cơ sở đó, kiến nghị kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tới ga Hà Nội", Tư vấn kiến nghị.

Như vậy, theo phương án của Tư vấn, hệ thống ga đầu mối tại Hà Nội gồm Ga Ngọc Hồi (phía Nam), Ga Lạc Đạo (phía Đông), Ga Yên Viên, Yên Thường, Bắc Hồng (phía Bắc) và Ga Hà Nội (trung tâm).