Đề xuất cơ chế xã hội hóa trong ứng phó thiên tai, thảm họa
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi ý cần nghiên cứu cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, trong đó có khối doanh nghiệp, nhằm phục vụ công tác ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa.
Quan điểm này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh khi đến thăm và làm việc tại Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, ngày 22/3.
Trung tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh trên thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Những khó khăn, bất cập được Trung tướng Doãn Thái Đức chỉ ra là trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp có nơi còn chưa phù hợp; công tác xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phòng thủ dân sự, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chỉ đạo điều hành còn hạn chế.
Phương án ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố, thiên tai đã được xây dựng tương đối đầy đủ, tuy nhiên có nơi chưa sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn.
Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là mưa lớn cục bộ, dài ngày và hoàn lưu sau bão.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định năm 2023 và những năm tiếp theo, công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ khó khăn, nặng nề hơn bởi tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp với quy mô lớn hơn và nhanh hơn dự báo.
Trong khi đó, kinh tế - xã hội phát triển hơn đi kèm với sự gia tăng các sự cố; và ảnh hưởng của biến động chính trị khó đoán định trong khu vực.
Vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý cần nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố bởi mỗi người dân có ý thức hơn, sự cố chắc chắn sẽ ít xảy ra hơn.
Phó Thủ tướng gợi ý cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, trong đó có khối doanh nghiệp cho công tác ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa.
Do tính cấp bách, hậu quả lớn và khôn lường của các sự cố, thảm họa, Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất cần xác lập cơ chế điều hành thống nhất của các Ban Chỉ đạo; lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp cần có trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phù hợp.
"Do nguồn lực có hạn, công tác diễn tập phải thực chất, tránh hình thức, dẫn đến tốn kém mà không hiệu quả; chủ động làm tốt công tác dự báo, chú ý những yếu tố về an ninh phi truyền thống như dịch bệnh", Phó Thủ tướng lưu ý.
Thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng do thiên tai
Thống kê từ 1/1/2022 đến 28/2 cho thấy có gần 8.000 sự cố, thiên tai xảy ra trong nước, khiến 1.339 người chết, 200 người mất tích và 513 người bị thương.
"Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính khoảng hơn 5.000 tỷ đồng - gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021", Trung tướng Đức thông tin.
Về công tác ứng phó, từ 1/1/2022 đến 20/3, gần 240.000 người cùng gần 22.000 lượt phương tiện đã được huy động để ứng phó, xử lý hơn 5.500 sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cứu gần 5.500 người.