Đề xuất cho Cảnh sát cơ động mang vũ khí vào cảng hàng không và lên tàu bay
(Dân trí) - Đề xuất thêm quyền hạn cho Cảnh sát cơ động được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ.
Theo dự thảo dự án Luật Cảnh sát cơ động vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, sau 7 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, lực lượng này đã được đầu tư xây dựng và trưởng thành, phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang, vì vậy nhiều hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như: Huy động người, phương tiện; trưng dụng tài sản phục vụ hoạt động của Cảnh sát cơ động; yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ. Nhưng việc này mới được quy định ở pháp lệnh và các văn bản dưới luật.
Một số quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013... có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động nhưng cũng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho Cảnh sát cơ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Vì thế, Bộ Công an cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp và khắc phục một số bất cập, hạn chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động.
Quy định rõ hơn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Bộ Công an cho biết dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có một số quy định mới so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động trên cơ sở 4 chính sách đã xác định và đánh giá tác động được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua.
Trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Bổ sung thêm quyền hạn được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ.
Đồng thời cũng quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Để tránh trùng dẫm về mặt nội dung với Luật Công an nhân dân, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động xây dựng theo hướng quy định Cảnh sát cơ động phải kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quy định rõ hơn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với Cảnh sát cơ động, đặc biệt là thẩm quyền ra mệnh lệnh sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức là do người chỉ huy trực tiếp phương án tác chiến quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Điều chỉnh thẩm quyền điều động của Tư lệnh Cảnh sát cơ động theo hướng quyết định điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án tác chiến để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong việc điều động Cảnh sát cơ động, phù hợp với các tình huống cụ thể nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất.
Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định chi tiết việc phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các lực lượng khác thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Bộ Công an sẽ lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo luật này trong thời gian 2 tháng.
Dự thảo luật đề xuất Cảnh sát cơ động bao gồm: Lực lượng tác chiến đặc biệt; Lực lượng đặc nhiệm; Lực lượng bảo vệ mục tiêu; Lực lượng không cảnh, thủy cảnh; Lực lượng sử dụng động vật nghiệp vụ.
Tổ chức của Cảnh sát cơ động bao gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cảnh sát cơ động dự bị thuộc các đơn vị Công an nhân dân; các Trung tâm huấn luyện, đào tạo. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tổ chức của Cảnh sát cơ động.