Đề xuất chính sách vượt trội với cán bộ, làm cơ sở tinh gọn bộ máy
(Dân trí) - Bộ Nội vụ tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giảm biên chế.
Sáng 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ.
Khối lượng công việc rất lớn, phức tạp
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2024, một trong những điểm nổi bật là Bộ Nội vụ đã tập trung cao độ để hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan thuộc diện hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương, khẩn trương xây dựng đề án, văn bản quy định liên quan đến sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ đã chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Bộ đã tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giảm biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
"Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhạy cảm, song với sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, kết quả đến nay đã cơ bản hoàn thành để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương", Bộ Nội vụ thông tin.
Đi liền với đó, Bộ Nội vụ xác định việc phê duyệt vị trí việc làm là nhiệm vụ trọng tâm cần sớm hoàn thành với tinh thần "vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo" và thực hiện hiệu quả phân cấp trong việc phê duyệt vị trí việc làm.
Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành và phê duyệt đề án với tổng số 840 vị trí việc làm.
Trong đó, cơ quan tổ chức hành chính có 840 vị trí, gồm: Lãnh đạo, quản lý 122 vị trí; công chức nghiệp vụ chuyên ngành 656 vị trí; công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 40 vị trí; hỗ trợ, phục vụ: 22 vị trí.
Trong cơ quan thuộc Chính phủ: lãnh đạo, quản lý 31 vị trí (đã quy định tại thông tư 10 vị trí; áp dụng chức danh, chức vụ tương đương 21 vị trí; nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ được áp dụng theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực).
Trong đơn vị sự nghiệp công lập có 559 vị trí (lãnh đạo, quản lý 110 vị trí; chức danh nghề nghiệp vụ chuyên ngành 392 vị trí; chức danh nghề nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 30 vị trí; hỗ trợ, phục vụ: 27 vị trí); cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí (cán bộ chuyên trách 11, công chức cấp xã 06).
Đổi mới, cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức
Năm nay, Bộ Nội vụ đã tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng, phù hợp với yêu cầu đổi mới, cải cách công vụ; phân cấp triệt để trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đồng thời, Bộ Nội vụ kiên trì đề xuất với Chính phủ bỏ thi nâng ngạch đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý và thăng hạng viên chức, nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của xã hội.
Chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài cũng được tập trung nghiên cứu, tạo lập khung khổ pháp lý cần thiết để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bộ đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bất cập trong việc thực hiện cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ tạo sự thống nhất, thông suốt để thực hiện.
Cụ thể, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 6 văn bản, đề án; trình Quốc hội thông qua 4 luật và Nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 53 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định, 60 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 Quyết định, một Chỉ thị, một Công điện. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 13 Thông tư và 10 văn bản hợp nhất.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu, rà soát để đề xuất cấp có thẩm quyền hồ sơ đề nghị sửa đổi 3 Luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ tổ chức được 23 cuộc thanh tra theo kế hoạch tại các bộ, ngành, địa phương; tiến hành kiểm tra tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại nhiều địa phương.
"Qua thanh tra, kiểm tra đã giúp các bộ, ngành và địa phương kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức tồn tại nhiều năm qua góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ", Bộ Nội vụ cho hay.