Đề xuất chất vấn Chánh án TAND tối cao về những vụ án nhạy cảm
(Dân trí) - UB Thường vụ Quốc hội nhận đề xuất Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 8 tới.
Tại phiên họp UB Thường vụ sáng nay 16/7, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình tờ trình về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10, vào tháng 8/2012. 3 Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ cùng Chánh án TAND tối cao được đề xuất trả lời chất vấn.
Bà Nương cho biết, nội dung dự kiến sẽ chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Giải pháp để khắc phục và giảm dần nợ xấu, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn.
Vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế cũng là nằm trong dự kiến sẽ chất vấn người đứng đầu NHNN. “Thống đốc NHNN đã tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, tuy nhiên, những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngân hàng hiện đang có nhiều bức xúc trong xã hội, vì vậy đề nghị tiếp tục chất vấn” - bà Nương nhấn mạnh.
Với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, nội dung chất vấn sẽ liên quan đến giải pháp đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai, biện pháp theo dõi, xử lý hoặc thu hồi tài sản sau thanh tra.
Bên cạnh đó là hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, vấn đề nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra.
Bà Nương thông tin thêm, Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia trả lời làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận yêu cầu chất vấn về vấn đề hoàn thiện các quy định của pháp luật tạo cơ chế thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; giải pháp thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo trợ xã hội; Giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng; Vấn đề đào tạo nghề, đưa người đi lao động ở nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính được huy động hỗ trợ phần trả lời chất vấn của bà Chuyền.
Sẽ tập trung chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình về những vụ án phức tạp, nhạy cảm (Ảnh: VietNamnet)
Bộ trưởng Nội vụ, Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an cùng tham gia trả lời làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Ban Công tác đại biểu đề xuất thời gian chất vấn được dự kiến từ 1 đến 1,5 ngày, mỗi bộ trưởng, trưởng ngành là 1/2 ngày. Nếu thời gian dành cho hoạt động chất vấn là 1 ngày thì đề nghị lựa chọn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn. Nếu thời gian là 1,5 ngày thì đề nghị thêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn
Trưởng ban Công tác đại biểu cũng đề nghị truyền hình trực tiếp và trực tuyến với Đoàn ĐBQH tại 63 tỉnh, thành phố phiên chất vấn với thành phần tham dự gồm các đại biểu QH chuyên trách ở TƯ, các Bộ, ngành liên quan và khách mời (dự kiến khoảng 110 người).
Góp ý nội dung này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đều cho rằng cần tiến hành chất vấn Thống đốc Bình.
“Nợ xấu đang là vấn đề nóng bỏng, UB Thường vụ Quốc hội cần phải quan tâm” - bà Mai phát biểu.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị nội dung chất vấn Thống đốc tập trung vào vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan liên quan chuẩn bị thêm để có thể chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Với Thống đốc sẽ tập trung vào chất vấn về giải quyết về nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống.
P.Thảo