1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề xuất bỏ tội sử dụng trái phép chất ma tuý

(Dân trí) - Rất nhiều ý kiến tại Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên bỏ quy định về tội sử dụng trái phép chất ma tuý trong Bộ Luật Hình sự. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong trường hợp xảy ra tệ nạn ma tuý cũng được cho là không... khả thi.

Sáng nay (2/4), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng chống ma tuý đã được Bộ Công an trình lên xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.

Góp ý với dự thảo luật sửa đổi, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, quan điểm của chúng ta về sử dụng trái phép chất ma tuý chưa rõ. Theo ông Vượng, lúc này cần xác định, những người sử dụng ma tuý là nạn nhân của tệ nạn xã hội, là người mắc bệnh.

 
Thế nhưng, trong Luật Hình sự lại quy định, những người sử dụng ma tuý đi cai nghiện vẫn tái nghiện là tội. Như thế, mắc bệnh, chữa không phải là tội. Từ những phân tích như vậy, ông Vượng cho rằng nên bỏ tội sử dụng ma tuý trái phép trong Bộ Luật Hình sự (điều 199).

Ông Ksor Phước, Chủ nhiệm UB Dân tộc tỏ thái độ đồng tình, cần phải xem lại lại điều 199 Bộ Luật Hình sự. “Với người sử dụng ma tuý, tôi nghiêng về nạn nhân hơn là tội phạm”, ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền, cũng cho rằng nên nhìn nhận đó là tệ nạn xã hội, là nạn nhân.

Về quy định cai nghiện tại cộng đồng thực hiện từ 6 - 12 tháng, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, cơ sở nào để qui định 6 - 12 tháng?. Hơn nữa, hết thời gian này, nếu tiếp tục áp những người nghiện vào quy định tại điều 199 Luật Hình sự thì rất nhiều đối tượng “trúng” và chúng ta không thể đủ trại giam. Hơn nhất, ông Lưu nêu câu hỏi: Việc thực hiện như vậy có đúng với bản chất của tội này hay không?

Quy định “người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tệ nạn ma tuý trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa bàn quản lý của mình” cũng có nhiều tranh luận với những người soạn thảo. Ông Trần Thế Vượng cho rằng, chúng ta cứ nói những điều “ghê gớm”, nhưng thực tế không làm được.

Luật Phòng chống tham nhũng từng quy định, cơ quan nào, địa phương nào xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu chịu trách nhiệm, nhưng từ khi có luật đến nay chưa ai chịu trách nhiệm và theo ông Vượng là “chịu sao được”.

Ông Vượng lấy dẫn chứng, ở các Bộ, Vụ trưởng gặp Bộ trưởng đã khó, nói gì đến việc Bộ trưởng biết được người trong cơ quan mình sử dụng ma tuý. Thêm nữa, trách nhiệm ở đây là gì, là trách nhiệm công vụ hay trách nhiệm về kỉ luật? Ở các doanh nghiệp hay trong quân đội, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm gì?

“Qui định này hơi chung và không khả thi” là ý kiến của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu. Ông Lưu dẫn chứng, một tỉnh có tệ nạn ma tuý nghiêm trọng, với người đứng đầu tỉnh, chịu trách nhiệm về mặt Đảng là đúng, nhưng về mặt hành chính, pháp luật qui định chưa rõ nên nếu xử lí cũng không nghiêm. Từ đó, ông Lưu đề xuất bỏ quy định này ra khỏi luật.

Về quy định “Người cai nghiện vi phạm thoả thuận thì người khác tham gia cai nghiện phải phê bình, giáo dục họ hoặc báo cho cơ quan công an nếu người đó sử dụng ma tuý trong thời gian cai nghiện tại cộng đồng”, theo đại biểu Ksor Phước, về mặt tâm lí tội phạm là “ảo tưởng”.

Hơn nữa, nếu đưa quy định này vào, liệu có xử lý hành chính, xử lý hình sự hay không? “Quy định như vậy, chỉ đưa cho vui vẻ chứ không có khả năng thực hiện”, ông Ksor Phước kết luận.

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm