1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất Bình Chánh lên thành phố

Hoàng Bình

(Dân trí) - Viện Nghiên cứu phát triển đề xuất huyện Bình Chánh nên là thành phố trực thuộc TPHCM thay vì lên quận vì địa phương không có khả năng chuyển đổi thành quận trước năm 2030.

Ngày 19/9, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, ngày 22/9, UBND huyện Bình Chánh phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức hội thảo góp ý xây dựng và hoàn thiện đề án đầu tư - xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021-2030.

Đề xuất Bình Chánh lên thành phố - 1

Một góc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo dự thảo báo cáo tổng hợp đề án đầu tư - xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021-2030, chuyển đổi từ đơn vị hành chính cấp huyện sang đơn vị hành chính cấp đô thị (mô hình thành phố thuộc thành phố) để huyện Bình Chánh có điều kiện đầu tư hạ tầng, khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện nay là vấn đề đặt ra rất bức thiết.

Trong đó, Viện Nghiên cứu phát triển cũng đã có báo cáo đề xuất huyện Bình Chánh nên là thành phố trực thuộc TPHCM vì địa phương không có khả năng chuyển đổi thành quận trước năm 2030.

Nội dung được Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) nêu trong dự thảo góp ý hoàn thiện đề án huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển, đối chiếu hiện trạng, so các tiêu chuẩn theo Nghị quyết về phân loại đô thị; Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Bình Chánh không có khả năng chuyển đổi thành đơn vị hành chính cấp quận từ đây đến năm 2030.

Đề xuất Bình Chánh lên thành phố - 2

Khu phố Trung Sơn có mật độ đô thị hóa cao với tập trung nhiều dịch vụ hiện đại (Ảnh: Hữu Khoa).

Trong khi đó, địa phương này có thể đạt được các tiêu chí phân loại đô thị loại III, chuyển đổi sang mô hình thành phố thuộc thành phố vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này, đến năm 2030, huyện Bình Chánh cần đầu tư nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, cải tạo môi trường.... Tổng vốn đầu tư ước khoảng 122.695 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn xã hội hóa.

Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc Trung ương gồm: từ 150.000 người trở lên; diện tích hơn 150 km2; có hơn 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65%...

Còn tiêu chuẩn lên quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm: mật độ dân số đạt từ 10.000 người mỗi km2; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên; hạ tầng đô thị đồng bộ và hoàn chỉnh...

Việc chuyển đổi từ cấp huyện sang đơn vị hành chính cấp đô thị (mô hình thành phố thuộc thành phố) được cho sẽ giúp Bình Chánh có điều kiện đầu tư hạ tầng, khai thác tiềm năng, thế mạnh.

Kế hoạch đầu tư xây dựng các huyện để lập đơn vị hành chính quận hoặc thành phố là nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI nhiệm kỳ 2020-2025. Hai năm qua, lần lượt 5 huyện của TPHCM là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn đều muốn lên thành phố trước 2030.

Cuối năm ngoái, sau cuộc họp về tiến độ triển khai Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố) giai đoạn 2021-2030, UBND TPHCM đề nghị các huyện ngoại thành không xin chủ trương lên quận hoặc thành phố mà chờ sau khi đạt chuẩn TPHCM mới quyết định mô hình phù hợp với từng địa phương.

Trước đó, 3 quận phía Đông là Quận 9, 2 và Thủ Đức đã thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM. 

Huyện có dân số đông nhất nước

Bình Chánh là huyện ngoại thành ở cửa ngõ Tây Nam của TP HCM, có diện tích 252 km2, chỉ đứng sau Cần Giờ và Củ Chi. Đây là huyện có số dân đông nhất cả nước với 711.000 người. Những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn ngày càng nhanh.

Huyện Bình Chánh có vị trí quan trọng, là địa bàn cửa ngõ phía Tây Nam thành phố. Địa bàn đầu mối giao thông nối liền TPHCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế, nhất là các khu vực lân cận và tiếp giáp với tỉnh Long An. Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế và liên kết vùng.

Hiện đất đai trên địa bàn huyện Bình Chánh còn nhiều nhưng chưa khai thác hiệu quả, bộ máy quản lý theo đơn vị hành chính nông thôn gặp nhiều khó khăn, không thể đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.