1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất 4 hình thức thông tin trong tình huống đột xuất, bất thường

Thế Kha

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc tổ chức thông tin, tuyên truyền khi xảy ra hoặc có khả năng xảy ra các tình huống đột xuất, bất thường trên toàn quốc.

Theo dự thảo Quyết định về việc tổ chức thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường đang được Bộ Tư pháp thẩm định, công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường đã được quy định trong một số văn bản pháp luật hiện hành như: Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật viễn thông năm 2009; Luật phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật thú y năm 2015; Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000; Nghị định số 71/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm,...

Tuy nhiên các văn bản này mới chỉ quy định sử dụng một số phương tiện truyền thông cụ thể mà chưa huy động tổng lực các hạ tầng thông tin, truyền thông hiện có như: mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác thông tin, tuyên truyền khi xảy ra các tình huống đột xuất, bất thường.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kịp thời định hướng dư luận xã hội, bảo đảm người dân sớm tiếp cận nguồn thông tin chính thống, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân, việc ban hành quyết định này rất cần thiết.

Đề xuất 4 hình thức thông tin trong tình huống đột xuất, bất thường - 1

Sẽ có 4 hình thức thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường (Ảnh minh hoạ).

Dự thảo đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức thông tin, tuyên truyền khi xảy ra hoặc có khả năng xảy ra các tình huống đột xuất, bất thường trên toàn quốc hoặc khu vực liên quan đến nhiều lĩnh vực, vượt quyền hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương.

Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương quyết định việc tổ chức thông tin, tuyên truyền khi xảy ra/có khả năng xảy ra các tình huống đột xuất, bất thường trên toàn quốc hoặc khu vực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Ở địa phương sẽ do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức thông tin, tuyên truyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Gửi yêu cầu bằng văn bản hoặc thư điện tử công vụ cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan đề nghị cung cấp nội dung thông tin cần tuyên truyền, phổ biến đến người dân.

Sử dụng phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền trên các hạ tầng mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở phù hợp với nội dung, hình thức và phạm vi để tổ chức thông tin, tuyên truyền.

Đồng thời yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu hạ tầng mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện việc thông tin, tuyên truyền.

Các phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường gồm: Mạng viễn thông (tin nhắn SMS); báo chí (đăng tải thông tin trên báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình); thông điệp truyền thông trên mạng xã hội; hệ thống thông tin cơ sở (phát thông tin trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, các thiết bị truyền thanh di động; đăng tải thông tin trên bảng tin điện tử, màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các hình thức thông tin khác).

Thông tin, tuyên truyền về Covid-19 đạt hiệu quả rất cao

Cơ quan soạn thảo (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tình huống đột xuất, bất thường là trường hợp xảy ra hoặc có khả năng xảy ra sự cố, vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, đối ngoại của đất nước; tạo sự quan tâm bức xúc của dư luận xã hội trong nước và quốc tế (trừ trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp).

Trong những năm qua, Bộ này đã huy động sức mạnh trong lĩnh vực thông tin, truyền thông tham gia vào ứng phó với các tình huống đột xuất, bất thường, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế rủi ro cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền qua các hạ tầng thông tin, truyền thông đến người dân đạt hiệu quả rất cao.