1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất 3 phương án làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

(Dân trí) - Chiều 21/9, tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh, thành ĐBSCL, đơn vị tư vấn về phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Đề xuất 3 phương án làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 1

Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại cuộc họp

Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Phương án thứ nhất, đầu tư tận dụng hoàn toàn tuyến quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu cho chiều đi từ Cần Thơ - Cà Mau. Tổng chiều dài khoảng 141 km, có 13 nút giao, tổng mức đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng.

Ưu điểm của phương án 1 là tổng mức đầu tư thấp nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất với 750ha.

Phương án 2, có tổng mức đầu tư 61.000 tỷ đồng, chiều dài 138km, diện tích giải phóng mặt bằng 900ha (lớn nhất).

Phương án 3 có tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng, dài 124km, diện tích giải phóng mặt bằng 800ha.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành có liên quan gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đều không tán thành phương án tận dụng đường Quản Lộ - Phụng Hiệp mà đề xuất chọn phương án 2 hoặc 3.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng: “ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, làm sao hạn chế tối đa việc thu hồi đất. Do đó, đơn vị tư vấn làm sao tránh được thu hồi đất lúa là tốt nhất”.

Bên cạnh đó, ông Nhật cũng cho rằng giai đoạn hiện nay ngân sách khó khăn nên làm sao vừa làm được đường vừa có mức đầu tư thấp nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu để có báo cáo đầy đủ, cụ thể hơn về các phướng án tuyến để tới đây Bộ xem xét, lựa chọn phương án hiệu quả nhất.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau  là một trong hai tuyến cao tốc trục dọc trong khu vực ĐBSCL, kết nối qua hầu hết 13 tỉnh, thành trong vùng, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, kết nối thành phố trung tâm vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với 5 tỉnh trong vùng.

Dự báo nhu cầu vận tải đường bộ giai đoạn 2025-2030 trên hành lang Cần Thơ - Cà Mau khoảng 30.000-41.000 xe quy đổi/ngày đêm, nhưng với năng lực các quốc lộ hiện có chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 27.800-30.600 xe.