1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề xuất 3 nhóm cơ chế "gỡ khó" đầu tư công trình giao thông đường bộ

Phùng Minh

(Dân trí) - Đề xuất 3 nhóm cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Do thời gian xây dựng nghị quyết gấp (dự kiến kỳ họp tháng 5/2023), Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành nghị quyết thí điểm theo trình tự, thủ tục rút gọn

Đề xuất 3 nhóm chính sách

Tại cuộc họp, ông Trịnh Đức Trọng - Phó vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, qua hơn 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và 11 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình trọng điểm, hiện đại đã đưa vào khai thác như các tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây,...

Đề xuất 3 nhóm cơ chế gỡ khó đầu tư công trình giao thông đường bộ - 1

Ông Trịnh Đức Trọng - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị (Ảnh: Anh Thư).

Quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật (Luật Giao thông đường bộ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư PPP, Luật Xây dựng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...) vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ bao gồm cả phương thức đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã bộc lộ những vướng mắc, chưa khơi thông được nguồn lực, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp áp dụng quy định về mức vốn tham gia của nhà nước (tối đa 50%) thì thời gian thu hồi vốn của một số dự án lên đến 65 - 85 năm (như đoạn Châu Đốc - Cần Thơ, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang,...), không đảm bảo khả thi để triển khai theo phương thức PPP.

Để đảm bảo tính khả thi của dự án với thời gian hoàn vốn khoảng từ 20 - 30 năm thì tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án tại một số dự án khoảng 70 - 75% tổng mức đầu tư (như dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần mức vốn nhà nước tham gia khoảng 73%; dự án Vành đai 4 thành phố Hà Nội (dự án thành phần 3) cần mức vốn nhà nước tham gia khoảng 55% - chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng...).

Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP không thành công có thể dẫn đến phải chuyển đổi hình thức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và sự phát triển kinh tế nói chung.

Vì vậy, việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là cần thiết nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (nhà nước, tư nhân, trung ương, địa phương), tạo đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Đề xuất 3 nhóm cơ chế gỡ khó đầu tư công trình giao thông đường bộ - 2

Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan có tổng chiều dài 77,5 km, điểm bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và điểm kết thúc tại nút giao Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Tổng mức vốn ban đầu là 11.486 tỷ đồng (Ảnh: Nam Anh).

Dự thảo nghị quyết đề xuất 3 nhóm chính sách: Thứ nhất, việc xác định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP không quá 50% được tính trên tổng mức đầu tư dự án nhưng không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.

Thứ hai, quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn một địa phương. Thủ tướng xem xét, quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương (nếu có) và có đủ năng lực làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình.

Thứ ba, giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo HĐND cùng cấp xem xét, đồng thuận về việc đầu tư thực hiện dự án giao thông đường bộ nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong đó, giao một UBND cấp tỉnh có tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn làm cơ quan chủ quản hoặc theo thỏa thuận của các địa phương; trách nhiệm của từng địa phương trong việc đầu tư thực hiện dự án. Căn cứ văn bản đồng thuận của các HĐND cấp tỉnh, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

Phải làm rõ thêm một số vấn đề

Đề xuất 3 nhóm cơ chế gỡ khó đầu tư công trình giao thông đường bộ - 3

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh (Ảnh: Anh Thư).

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhất trí cần ban hành nghị quyết nhưng phải làm rõ hơn một số nội dung, trong đó có thời gian thực hiện thí điểm.

Bên cạnh đó, theo bà Oanh, bản chất của dự án thực hiện theo phương thức PPP là nhằm huy động vốn của nhà đầu tư, vốn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung khi nguồn vốn đầu tư của nhà nước còn hạn chế. Vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP chỉ mang tính chất hỗ trợ, vì vậy ban soạn thảo cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng khi quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, tránh làm mất đi bản chất của phương thức PPP. 

Bà Oanh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân nhắc, làm rõ các quy định về đầu tư bổ sung các hạng mục nằm trong phạm vi dự án PPP đang khai thác nhưng chưa được đầu tư trong dự án PPP; đánh giá mang tính định lượng về dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết sau khi được thông qua...

Đường cao tốc giúp GRDP các địa phương tăng nhanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau khi đưa vào khai thác tháng 5/2014 đã góp phần giúp tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) các địa phương tăng nhanh: Lào Cai từ 24.604 tỷ đồng (năm 2014) lên 32.414 tỷ đồng (năm 2016) tăng bình quân 15,9%/năm; Phú Thọ từ 37.708 tỷ đồng (năm 2014) lên 45.497 tỷ đồng (năm 2016) tăng bình quân 10,3%/năm; Vĩnh Phúc từ 64.476 tỷ đồng (năm 2014) lên 79.665 tỷ đồng (năm 2016) tăng bình quân 11,8%/năm.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau khi đưa vào khai thác tháng 12/2015 góp phần giúp GRDP Hải Phòng từ 127.007 tỷ đồng (năm 2015) lên 165.764 tỷ đồng (năm 2017) tăng bình quân 10,2%/năm; Quảng Ninh từ 77.242 tỷ đồng (năm 2015) lên 93.659 tỷ đồng (năm 2017) tăng bình quân 10,72%/năm.

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sau khi đưa vào khai thác tháng 6/2012 góp phần giúp GRDP Tiền Giang từ 45.688 tỷ đồng (năm 2012) lên 57.382 tỷ đồng (năm 2014) tăng bình quân 12,8%/năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm