1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất 12 mặt hàng thuộc nhóm vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia

Thế Kha

(Dân trí) - Nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia gồm 12 mặt hàng: Máy X-quang; máy thở; máy phá rung tim; máy theo dõi bệnh nhân; máy siêu âm; máy hút dịch; vật tư phòng hộ cá nhân; túi đựng tử thi,…

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 1024/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia đang được Bộ Tư pháp thẩm định, nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia gồm 12 mặt hàng: Máy X-quang; máy thở; máy phá rung tim; máy theo dõi bệnh nhân; máy siêu âm; máy hút dịch; bơm tiêm điện; bộ dụng cụ phẫu thuật ; máy phun hóa chất; vật tư phòng hộ cá nhân; máy phát hiện nhanh tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ; túi đựng tử thi.

Đề xuất 12 mặt hàng thuộc nhóm vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia - 1
(Ảnh minh họa).

Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) cho rằng, danh mục chi tiết các mặt hàng này phù hợp với nhóm hàng "vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia" quy định tại Nghị quyết số 1024/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phù hợp với mục tiêu tiêu chí hàng dự trữ quốc gia quy định tại Luật Dự trữ quốc gia.

Việc ban hanh hành nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch dự trữ quốc gia về vật tư, thiết bị y tế hàng năm, đáp ứng nhu cầu về vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh và các nhu cầu cấp bách khác về y tế trong những năm tới.

Ngoài ra, nhu cầu ngân sách chi cho mua vật tư, thiết bị y tế dự trữ cho phòng chống dịch bệnh cũng phụ thuộc vào mức độ ưu tiên, tính cấp thiết, giá cả thị trường của mỗi loại vật tư, thiết bị y tế trong danh mục.

Tại văn bản số 615/BYT-KHTC, Bộ Y tế cho biết dự kiến ưu tiên mua sắm một số vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia trong năm 2021 bao gồm: 1 máy X-quang, 2 máy theo dõi bệnh nhân, 1 máy siêu âm, 2 bơm tiêm điện, 2 máy phun hóa chất, 4 máy phát hiện nhanh các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ và 30 túi đựng tử thi.

Dự kiến kinh phí cần bố trí trong năm 2021 khoảng 20 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025 khoảng 100 tỷ đồng.

"Với nhu cầu mua sắm như vậy, Bộ Tài chính thấy rằng ngân sách nhà nước hoàn toàn có thể cân đối được. Việc tổ chức mua sắm chỉ được thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch dự trữ quốc gia hàng năm"- tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định cho hay.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định này theo trình tự, thủ tục rút gọn.