1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Để thân xác bị chôn vùi là phí phạm”

Ông Lê Văn Thân đã nói vậy khi được hỏi về việc vợ chồng ông hiến xác cho y học. Không chỉ hiến xác của mình, gần 15 năm qua, ông còn vận động được 56 người khác cùng tham gia hiến xác, trong đó có cả vợ chồng con gái ông.

 

 
“Để thân xác bị chôn vùi là phí phạm”
Vợ chồng ông bà Lê Văn Thân - Đặng Thị Kim Tuyến.

 

Hiến xác có hai cái lợi

 

Ông Lê Văn Thân (trú tổ dân phố 100, KP14, P.10, Q.Gò Vấp, TPHCM) năm nay đã 81 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Vợ ông - bà Đặng Thị Kim Tuyến - dù thua ông một tuổi, nhưng hiện đã lãng tai, sức khỏe yếu, đầu óc thì lúc nhớ lúc quên. Bởi vậy khi thấy bà Tuyến kể cho chúng tôi nghe điều được điều mất về chuyện hiến xác, ông nóng ruột “mắng” vợ: “Thôi bà để đó tui kể cho nhanh”. Bà cười hờn chồng, nói như thể cho riêng mình nghe: “Sao độ rày ông hay mắng mình vậy không biết”.

 

Chuyện xảy ra cách đây đúng 15 năm. Ông Thân vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều bà Tuyến trở về nhà, mắt ướt đỏ hoe kêu ông vào phòng riêng nói chuyện. Rằng bà đã rút số tiền 5 triệu đồng gửi tiết kiệm để dành cho việc hậu sự của bà, mang lên nhờ Đài Truyền hình thành phố làm từ thiện, cụ thể là cất nhà cho một bà cụ neo đơn ở Thủ Đức. Hôm nay khánh thành nhà nên người ta mời bà về tham gia. Lần đầu tiên người cho - người nhận gặp nhau, ai cũng cảm động nên ôm nhau khóc đến đỏ hoe mắt.

 

Nghe vợ kể, ông Thân tròn xoe mắt không hiểu bà nói chuyện gì, sau hỏi mãi mới lòi ra chuyện thế này: Một năm trước, không biết nghe ai vận động bà đã tự ý đi lên Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế TP.Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đăng ký hiến xác cho y học.  “Bả nói vậy là xong, mình không còn phải lo chi chuyện sau khi chết nữa nên để tiền làm chi” - ông Thân kể.

 

“Chuyện là thế này - bà Tuyến nãy giờ im lặng bỗng lên tiếng - Hồi đó tui đi họp phụ nữ phường, người ta nói đến chuyện sinh viên trường y hiện rất khó khăn vì không có xác để thực hành. Chuyện làm tui nhớ tới lúc trẻ đi học y sĩ, cũng vì không có xác nên tụi tui phải thực hành trên xác con khỉ. Tui biết các em sẽ khó khăn như thế nào nếu không có xác để học. Nghĩ vậy nên tui đi làm đơn hiến thôi”. 

 

Hôm đó, sau khi thú nhận với chồng chuyện mình đã tự ý đi hiến xác, thấy chồng không rầy la gì, bà Tuyến quay sang... vận động chồng đi hiến xác giống mình. Ông Thân nhớ lại: “Lúc đầu tui cũng băn khoăn lắm, nhưng sau khi nghe bả nói hiến xác có hai cái lợi, thứ nhứt là giúp y học phát triển để cứu được nhiều người hơn, thứ hai là khi chết sẽ không tốn đồng nào cho việc ma chay, chôn cất. Số tiền để lo hậu sự mình có thể dành cho con cháu ăn học hoặc làm từ thiện như bả. Nghe bả nói, tui thấy cũng xuôi tai nên hôm sau tui đi làm đơn hiến xác”.

 

Sau khi ông Thân hoàn thành thủ tục hiến xác, bà Tuyến đưa cho ông 5 triệu đồng, rồi nói: “Đây là tiền hậu sự tui chuẩn bị cho ông, nhưng giờ thì không cần nữa, giờ ông ưa làm gì với tiền đó thì làm”. Lúc đầu, ông Thân định dùng số tiền đó cho đứa con gái đầu đang sống ở Hóc Môn, vì nền nhà thấp nên cứ triều cường lên là ngập.

 

“Nhưng rồi tui nghĩ, nền nhà con gái mình hết ngập thì sẽ khô, con gái mình cũng chưa thiếu ăn, thiếu mặc. Trong khi ngoài xã hội, hiện còn đầy những người nghèo tới mức phải đi nhặt rác kiếm sống qua ngày. Nghĩ vậy nên tui quyết định mang tiền đến trao cho quỹ người nghèo của phường 6, quận 3, TP.Hồ Chí Minh”. Đó là thời điểm năm 1999, lúc đó số tiền 5 triệu đồng có thể mua được hơn 1 cây vàng và hoàn cảnh gia đình vợ chồng ông Thân cũng không phải là khá giả.

 

“Để thân xác bị chôn vùi là phí phạm”

“Tài sản” đáng kể nhất trong nhà ông Thân là huân - huy chương và bằng khen. Ảnh: H.V.M

 

Vận động bà con cùng hiến xác

 

Việc hiến xác cho y học của vợ chồng ông Thân sau đó được kể trên một tờ báo của thành phố. Ông Thân kể: “Sau khi báo đăng, tui bất ngờ nhận được điện thoại của nhiều người lạ, là người dân đủ mọi thành phần, chủ yếu ở trong thành phố điện đến hỏi thăm tui cho rõ hơn về quy trình, thủ tục hiến xác. Tui nói để tui giúp cho”.

 

Nói là làm, ông chạy xe lên Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố để xin các tờ “đơn tự nguyện hiến xác”, “những điều cần biết về việc hiến xác cho khoa học”... rồi tìm đến tận nhà những người có yêu cầu để đưa, giải thích, hướng dẫn... cho họ điền vào rồi mang lên nộp lại cho trung tâm. “Lúc đầu tui chưa có kinh nghiệm nên mỗi khi có ai điện thoại hỏi tui là tui lại chạy lên trung tâm để xin một bộ đơn. Sau này tui không làm thế nữa, tui xin luôn... một túi xách đầy để sẵn trong nhà, để lỡ ai có nhu cầu là mình đưa luôn cho họ” - ông nói.

 

Một mặt, trong những cuộc họp tổ dân phố, họp cựu chiến binh... ở đâu ông cũng tranh thủ vận động người dân hiến xác cho y học. Chỗ nào ông cũng nêu luận điểm “hai cái lợi của việc hiến xác” mà bà Tuyến dùng để thuyết phục ông hiến xác và đã thu được kết quả rất khả quan.

 

Ngoài vận dụng “lý thuyết” của vợ, ông còn sáng tạo bổ sung: “Chết là hết, thân xác bị chôn vùi là một điều phí phạm, sao không dành nó để đóng góp cho khoa học. Các sinh viên y khoa đang cần được thực tập nhiều trên những cơ thể thật để có thể cứu người tốt hơn, thay vì phải học với những mô hình giả”. Một người, hai người, ba người, rồi bốn người... Đến thời điểm này, danh sách số người tự tìm đến và từ ông vận động chấp nhận việc hiến xác cho y học tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch mà ông đang nắm giữ đã lên đến con số 56 và chắc chắn sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới.

 

Ông lật cuốn sổ ghi chép danh sách người hiến xác, chỉ tên từng người khoe: “Đa phần họ là những người lớn tuổi với đủ thành phần: Giáo viên, hưu trí, thợ mộc, y tá... Đặc biệt, trong số này có người còn rất trẻ ở quận 12, năm nay mới chỉ 28 tuổi”. Không chỉ vận động người dưng, ông Thân còn vận động được cả vợ chồng con gái đầu của mình hiến xác cho y học. Ông nói đó là hai trường hợp mà ông thấy vui nhất khi họ đồng ý, bởi “cách đây 15 năm, lúc đầu khi mới nghe tin vợ chồng tui hiến xác cho y học, vợ chồng nó đã phản đối kịch liệt, tui phải nói mãi, giải thích mãi vợ chồng nó mới nghe”.

 

Vợ chồng ông Thân, bà Tuyến đều là cựu chiến binh. Ông là thương binh 3/4, còn bà là thương binh 2/4. Hiện ông Thân còn giữ chức Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh KP.14, P.10, Q.Gò Vấp. Trong căn nhà nhỏ, nơi ông bà đang sống với vợ chồng cô con gái út tại Gò Vấp, “tài sản” đáng kể nhất của họ là những chiếc huy chương của hai người được đặt trang trọng trên chiếc tủ giữa nhà, trên 2 bức tường nhà cũng bị bít kín bởi những chiếc bằng khen, giấy khen của Uỷ ban MTTQ TP.Hồ Chí Minh, UBND Q.3, UBND Q.Gò Vấp, Hội LHPN Q.3...

 

Thấy gia cảnh ông bà cũng chẳng dư dả gì, chúng tôi nhớ đến lời bà bán quán đầu ngõ khi đi tìm nhà. Bà ấy hỏi chúng tôi có phải muốn tìm nhà ông Thân bao năm nay bỏ công, bỏ tiền túi ra để đi khắp thành phố vận động người ta hiến xác không? Thắc mắc thì ông Thân cười: “Người ta nói đúng đó”. Ông nói về chuyện tiền, cũng rất nhiều người thấy ông vất vả nên đặt vấn đề bồi dưỡng tiền xăng. Nhưng ông từ chối, nói: “Tui làm việc này không phải vì tiền và cũng không thiếu tiền. Tiền hưu, tiền trợ cấp thương binh của vợ chồng tui tháng hơn 9 triệu, chủ yếu là nuôi hai đứa cháu ngoại, chứ  mấy chục năm nay mỗi bữa hai vợ chồng tui chỉ ăn lưng chén cơm”.

 

Về chuyện vì sao lại phải làm như vậy, ông nói: “Tui có làm gì to tát đâu. Tui chỉ làm như lời dặn của Bác Hồ rằng việc gì có lợi cho dân, cho nước thì làm. Tui thấy việc làm của mình có lợi, rứa là gắng hết sức mà làm thôi”.

 

Ông bảo triết lý sống của hai ông bà là biết vừa đủ: “Trong chiến tranh, không biết bao nhiêu đồng đội của tui đã ngã xuống mà chưa kịp nhìn thấy đồng bạc nào. Vợ chồng tui không những may mắn còn sống mà còn sống lâu, hưởng được nhiều lương hưu như thế này là hạnh phúc lắm rồi. Nhìn lên thì đúng là thua thiệt, nhưng chịu khó nhìn xuống sẽ thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người...”.

 

Theo Hoàng Văn Minh - Hà Anh Chiến

 Lao động