1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Dê tặc" lộng hành, dân gửi đơn lên Đoàn đại biểu Quốc hội

Hàng trăm con dê bị bắt trộm mỗi năm, khiến nhiều hộ nuôi dê núi tại xã biển Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) phải bỏ nghề. Đối tượng bắt dê của dân đi bán nhưng cơ quan chức năng xử lý nhẹ, khiến các hộ dân bức xúc, khiếu kiện.

Gia đình ông Phan Văn Việt (58 tuổi, thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) hiện có đàn dê hơn 50 con. Đây là hộ gia đình đầu tiên nuôi dê núi ở miền biển này, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình khấm khá. Thế nhưng giờ đây đàn dê của ông Việt chủ yếu bị nhốt trong chuồng trại.

 Bởi nếu đưa ra bãi, hai vợ chồng ông phải thay nhau canh giữ, nếu không sẽ bị kẻ trộm dê ra tay trộm sạch. Theo ông Việt, nạn trộm dê bắt đầu diễn ra từ năm 2011, mỗi năm ông mất 10 – 20 con dê. 

Riêng năm 2014 ông bị trộm 15 con, thiệt hại khoảng hơn 50 triệu đồng. Kẻ trộm thường nhằm vào các con dê đực từ 20kg trở lên, thậm chí có con 50kg để bắt trộm. Có tháng gia đình ông mất 3 – 4 con, mỗi con giá trên dưới 3 triệu đồng.

“Nuôi dê ở đây rất thuận tiện vì một bên là biển, lại có bãi thả là khu vực sân bay nên không ảnh hưởng đến ai. Tuy nhiên, liên tiếp bị mất cắp khiến nhiều hộ dân bỏ nghề. Có đối tượng trộm dê bị bắt nhưng cơ quan công an xử lý sơ sài, không thỏa đáng khiến các hộ dân thêm bức xúc”, ông Việt cho biết. Theo ông, hiện ở Tam Quang có khoảng 10 hộ nuôi dê, rất hiệu quả bởi đầu ra cho dê dồi dào, dễ bán, giá dê rất cao.

Theo ông Nguyễn Hòa, trưởng Công an xã Tam Quang, nạn trộm dê xảy ra khiến các hộ chăn nuôi rất bức xúc. Việc này đã được các hộ dân phản ánh trực tiếp tại các buổi tiếp xúc cử tri, rất căng thẳng. Tháng 5/2015 một vụ trộm dê bị phát hiện, nhưng công an huyện thụ lý và chỉ xử phạt hành chính.

Bà Trần Thị Sương (trú tại thôn Xuân Trung xã Tam Quang), vừa có đơn khiếu nại việc xử lý ông Bùi Xuân và Lê Võ Quốc Thanh (cùng trú tại xã Tam Quang), có hành vi bắt trộm dê của gia đình bà đem đi bán.

Tuy nhiên, ông Xuân và Thanh chỉ bị xử phạt hành chính và bồi thường cho bà Sương 5,3 triệu đồng tiền thiệt hại do hai người này chiếm đoạt dê đem đi bán. Việc xử lý trên khiến các hộ dân chăn nuôi rất bức xúc, cho rằng công an đang bao che cho “những kẻ trộm dê”.

Bà Sương cho biết, trong 3 năm liên tiếp, gia đình bà mất hơn 40 con dê, khiến việc chăn nuôi thua lỗ. Ngày 2/5/2015, bà phát hiện bị mất con dê đực giống nặng khoảng 35kg.

Ngày hôm sau, một người chuyên buôn dê tên Danh (ngụ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) điện báo cho bà Sương có người bán một con dê đực rất giống con dê nhà bà mà ông Danh đã nhìn thấy trước đó.

Ông Danh cho biết, người bán dê là con rể ông Bùi Xuân, ngụ xã Tam Quang. Bà Sương trình báo sự việc cho công an huyện Duy Xuyên đến lập biên bản. Sau đó, công an huyện Núi Thành đã xử phạt hành chính và buộc ông Bùi Xuân cùng con rể là Lê Võ Quốc Thanh bồi thường cho bà Sương hơn 5,3 triệu đồng.

Mới đây, các hộ dân đồng loạt gửi đơn lên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Công an tỉnh, VKSND tỉnh nhờ can thiệp xử lý “dê tặc”. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo Nguyễn Thành
Tiền Phong