1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Để những người ngã xuống vì Tổ quốc không ai là vô danh"

(Dân trí) - Với đề tài khoa học của mình, thượng tá Nguyễn Thị Tiến đã góp sức rất lớn trong việc tìm ra tên tuổi, quê quán cho hơn 500 liệt sỹ. Với chị, đó là cách tốt nhất để tri ân những người đã ngã xuống cho mùa Xuân đất nước hôm nay.

Nguyên Phó GĐ Bảo tàng Quân khu 4 - Thượng tá Nguyễn Thị Tiến

Nguyên Phó GĐ Bảo tàng Quân khu 4 - Thượng tá Nguyễn Thị Tiến


Sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp được thượng tá Nguyễn Thị Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4. “Từ hồi nghỉ hưu, thời gian ở nhà ít hơn thời gian đi công tác. May chồng con hiểu và ủng hộ công việc của mình”, chị giải thích. Chị vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày ở phía Nam. Lần này, chị nhận lời tìm liệt sỹ cùng với các cựu chiến binh Úc - những người đang giữ trong tay tấm sơ đồ an táng cho hàng trăm liệt sỹ Việt Nam trong chiến tranh.

Trong căn nhà khang trang ở gần bảo tàng Quân khu 4, đẫm không khí ấm áp của tiết trời sang Xuân, gác hết bộn bề công việc sang một bên, chị kể cho tôi nghe hành trình đến với công việc thầm lặng nhưng thiêng liêng của mình.

Chị vốn là thuyết minh viên tại Bảo tàng Quân khu 4 - nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật của các liệt sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Hàng ngày, giới thiệu cho khách thăm quan những chiếc dép, chiếc cúc áo, chiếc cối giã trầu bằng vỏ đạn pháo hay những bức thư… được tìm thấy trong các ngôi mộ liệt sỹ nhưng lại không biết liệt sỹ đó là ai, quê quán ở đâu khiến chị đau lắm. Chị thấy mình như mắc nợ các bác liệt sỹ, mắc nợ người thân, những người vợ, người mẹ đang mỏi mòn chờ chồng, chờ con ở quê nhà.

Những ngôi mộ với vẻn vẹn dòng chữ “Vô danh” (sau này được thay bằng “Liệt sỹ chưa biết tên”) cũng ám ảnh chị từng đêm. Tại sao họ có cha, có mẹ, có cái tên thân thương cha mẹ đặt cho, có cái tên bước đi hiên quang trong đoàn quân và anh dũng ngã xuống nơi tuyến đầu của Tổ quốc mà khi nằm xuống đất mẹ lại chỉ có những dòng chữ đau đớn, buốt nhói đến thế này?

Tìm tên cho các liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc là niềm đau đáu không nguôi của chị
Tìm tên cho các liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc là niềm đau đáu không nguôi của chị

“Tại sao không kết hợp với các đội quy tập mộ liệt sỹ để có thể lưu giữ được những hiện vật được táng cùng các bác? Biết đâu, từ những hiện vật đó, có thể tìm ra tên tuổi, quê quán cho các liệt sỹ. Nếu không kịp thời, các hiện vật đó sẽ tiếp tục an táng cùng hài cốt các liệt sỹ đã được tìm thấy khi đưa về đất mẹ thì không biết đến bao giờ những ngôi mộ đó mới thoát khỏi cái tên “Liệt sỹ chưa biết tên?”. Chị nghĩ như thế và bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình.

Sau khi trình bày ý tưởng, được Lãnh đạo Quân khu và Bảo tàng tạo điều kiện, chị bắt đầu hành trình tìm tên cho các liệt sỹ. Đó là năm 2000, khi Đội quy tập mộ liệt sỹ Thanh Hóa tổ chức bàn giao và an táng hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chồng Pháp và chống Mỹ được tìm thấy tại tỉnh Hủa phăn - Lào.

“Lần đầu tiên thực hiện công việc này, trong đầu tôi chưa định hình được mình sẽ phải chuẩn bị những gì. Cứ nghĩ, đến đó rồi hẵng hay. 60 hài cốt được tìm thấy nhưng chỉ có 2 liệt sỹ có tên! Đau xót quá. Đứng trước vong linh các anh, tôi chỉ xin các anh phù hộ để có thể tìm được tên tuổi của các anh, dù chỉ một người thôi cũng hạnh phúc rồi”, chị Tiến tâm sự.

Sau khi xin được một số hiện vật được tìm thấy cùng hài cốt liệt sỹ, vừa về đến cơ quan để báo cáo công việc, chị lại nhận được điện thoại vào Quảng Bình để tham gia lễ bàn giao hài cốt. Chỉ kịp chạy về nhà lấy vài bộ quần áo, chị lại tức tốc lên đường. Tại đây, cùng với sự giúp đỡ của các chiến sỹ trong đội quy tập, chị tìm thấy chiếc gương soi rất nhỏ, phía trong lồng bức ảnh người phụ nữ khoảng 50 tuổi nhưng đã nhòe vì thấm máu và lấm lem bùn đất không còn nhìn rõ của một người chiến sỹ tên Hương. Liệt sỹ Hương đã ngã xuống tại bản Thà Ni, huyện Hin Bun, tỉnh Khăm Muộn, Lào. Đó là tất cả những gì đội quy tập tìm thấy về liệt sỹ tên Hương.


Tìm tên cho các liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc là niềm đau đáu không nguôi của chị
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến bên những chiếc bình vôi ăn trầu của các mẹ liệt sỹ mà chị có dịp tiếp cận

Với tấm ảnh và một ít thông tin ít ỏi đó, thượng tá Nguyễn Thị Tiến bắt tay vào công việc khớp nối thông tin, tìm tên, quê quán của liệt sỹ. Mà mấu chốt là bức hình người mẹ ở sau chiếc gương. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn là nhà báo, bức ảnh đã được khôi phục rõ nét hơn và được đăng tải trên một số tờ báo lớn.

Đúng 10 tháng sau, chị nhận được điện thoại của một người cựu chiến binh. Ông đã xem tấm ảnh đăng trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần và nhận ra người phụ nữ trong bức ảnh là ai. Cũng từ đây, nhân thân liệt sỹ mang tấm ảnh này đã được làm sáng tỏ, đó là liệt sỹ Bùi Danh Hương, quê ở tỉnh Hưng Yên. Người phụ nữ trong bức ảnh là mẹ liệt sỹ Hương, bà Dương Thị Diệp - 94 tuổi, hiện đang sống tại thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

“Ngày tìm về quê mẹ Diệp để báo tin về việc hài cốt con trai mẹ đã được tìm thấy và đang an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc - Quảng Bình tim tôi như bị ai bóp nghẹt. 40 năm trời đằng đẵng, mẹ đã cố sống để chờ đợi tin tức của người con trai yêu quý của mình. Và chỉ với bức ảnh của mẹ được chính đứa con mang ra trận, đã giúp mẹ hoàn thành được ước mơ suốt cuộc đời mình.

Giá như những di vật được tìm thấy cùng các hài cốt của các liệt sỹ bằng cách này hay cách khác được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì biết đâu sẽ có rất nhiều liệt sỹ được trả lại tên tuổi của mình, được về với quê hương yêu dấu và những người mẹ, người vợ sẽ bớt đi được một khoảng thời gian dài chờ đợi và hy vọng như mẹ Diệp”, thượng tá Tiến đau đáu một nỗi niềm.

Những chuyến đi cứ dày thêm và những di vật của liệt sỹ cũng được chi sưu tầm nhiều hơn. Mỗi di vật là một nhát dao cứa vào tim chị với nỗi lòng khắc khoải, đau đáu làm sao từ những di vật vô tri này, lắp ghép, xâu chuỗi các chi tiết tưởng chừng như vụn vặt để trả lại tên cho những người anh hùng đã ngả xuống. Có những hiện vật mỗi khi nhìn lại chị lại thấy như có bàn tay vô hình nào đó bóp nghẹt trái tim mình.

Hàng nghìn bức thư của thân nhân các liệt sỹ đã được gửi tới nhờ chị Tiến tìm mộ cho con em mình
Hàng nghìn bức thư của thân nhân các liệt sỹ đã được gửi tới nhờ chị Tiến tìm mộ cho con em mình

“Năm 2000, đoàn quy tập mộ liệt sỹ phát hiện một ngôi mộ tập thể tại Nôm Pha Nai, Thu Lê Khôm, Bô Li Khăm Xay, Lào. Trong số những di vật tìm thấy cùng hài cốt các liệt sỹ, tôi đặc biệt chú ý tới một tấm bưu thiếp vẽ cành đào mùa xuân, một đôi chim bồ câu vờn nhau trong gió, những chiếc đèn lồng và dòng chữ con gái tròn như hạt lúa “Em đợi anh về, xuân Mậu Thân 1968”, một dòng chữ khắc thành con dấu hình chữ nhật “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đóng trên cành đào”, chị kể tiếp.

Tấm bưu thiếp đó đã được chị nâng niu, giữ gìn và đưa về trưng bày tại Bảo tàng quân khu 4. Thế nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, người chiến sỹ mang tấm bưu thiếp bên người để làm động lực chiến đấu chống quân thù và người con gái đã làm tấm bưu thiếp tặng người yêu trước ngày ra trận ấy là ai, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Nghỉ hưu, chị gần như dành toàn bộ thời gian, rong ruổi khắp các chiến trường cũ để tìm tên các liệt sỹ. 13 năm theo đuổi công việc thầm lặng và cao cả này, chị đã tìm được tên, tuổi, địa chỉ cho 500 liệt sỹ. Được chứng kiến phút giây hạnh phúc, đoàn tụ của những gia đình liệt sỹ hay góp phần rút ngắn thời gian, công sức của thân nhân các liệt sỹ đằng đẵng hàng chục năm trời tìm kiếm và hi vọng, đối với chị đó là cả một niềm hạnh phúc lớn lao.

Thế nhưng, người phụ nữ nhỏ bé này vẫn luôn canh cánh bên lòng nỗi niềm nặng trĩu. Bao nhiêu liệt sỹ đã ngã xuống cho bình yên hôm nay vẫn chưa được gọi tên. Bao nhiêu người mẹ già vẫn đang từng đêm trông ngóng và mong mỏi đưa được hài cốt đứa con thân yêu trở về trước khi bà nằm xuống. Bao nhiêu người vợ vẫn mòn mỏi chờ chồng hay bươn bả khắp nơi tìm chút xương cốt của chồng nơi chiến trận ngày xưa.

Tháng 2/2004, đề tài “Xác minh lý lịch liệt sỹ chưa biết tên qua di vật nằm cùng phần mộ” của Thượng tá Nguyễn Thị Tiến được nghiệm thu ở cấp Tổng cục chính trị. Trước đó, vào năm 2000, đề tài khoa học này đã được chị bảo vệ thành công và đạt giải A toàn Quân khu 4.

“Trong chiếc tủ gỗ của tôi hiện đang lưu giữ hàng nghìn bức thư của thân nhân các liệt sỹ nhờ tìm hài cốt con em họ. Tôi đã đọc, đã khóc, đã khắc khoải cùng thân nhân các liệt sỹ nhưng sức mình có hạn, không thể đáp ứng được niềm mong mỏi chính đáng của mọi người. Giá như có ai đó chung tay cùng tôi, các tổ chức, cơ quan chức năng phối hợp tìm kiếm thì biết đâu…”, thượng tá Nguyễn Thị Tiến trăn trở.

Hỏi chị bao giờ định “nghỉ hưu”. Chị chỉ cười, “đến khi nào tôi không thể đi được nữa. Còn sức, tôi vẫn đi tìm. Bởi đó là đồng đội tôi. Bởi đó là lòng tri ân của tôi - thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập - đối với những người đã ngã xuống ngày hôm qua. Để những người hy sinh xương máu cho Tổ quốc không ai là vô danh”.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm