1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Dễ như sản xuất nước “tinh khiết”

(Dân trí) - Khi TPHCM phát hiện nước uống đóng chai nhiễm trực trùng mủ xanh, nhiều người giật mình lo sợ bởi lâu nay vẫn tin tưởng bỏ ra 20-25 ngàn đồng để mua bình nước tinh khiết. Cùng lúc, Hà Nội cũng rốt ráo tổng kiểm tra và phát hiện những sự thật “giật mình”…

Tại Hà Nội, thậm chí chỉ cần vài chục triệu đồng đi kèm với khoảnh đất nhỏ hẹp là có thể hình thành một cơ sở sản xuất nước tinh khiết cơ động. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm của những cơ sở này có đảm bảo hay không thì khó có thể khẳng định.

Cơ sở chật hẹp đến khó tin

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện toàn thành phố có 192 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đã đăng ký, công bố chất lượng sản phẩm (trong đó, Hà Nội cũ 132 cơ sở và Hà Tây cũ 60 cơ sở).

Về chất lượng của các cơ sở sản xuất, theo ông Cường, do Hà Tây mới hợp nhất về Hà Nội nên khâu kiểm định sẽ phải rà soát lại và sẽ có báo cáo trong thời gian tới. Còn số cơ sở thuộc Hà Nội cũ từ trước đến nay vẫn do một cán bộ chuyên trách của Trung tâm Y tế dự phòng chịu trách nhiệm quản lý và chưa từng phát hiện nước có vi khuẩn gây mủ như vụ việc mới được phát hiện ở TPHCM.

“Năm 2008, các cơ sở này đều đã được kiểm tra ít nhất một lần. Kết quả các lần kiểm tra cho thấy, về chất lượng nước chưa phát hiện vi phạm gì lớn. Tất cả các cơ sở này đều trang bị dây chuyền sản xuất khá hiện đại và chủ yếu là dùng nguồn nước máy, do thành phố cung cấp”- ông Cường khẳng định.

Dù vậy, ông Cường cũng thừa nhận đại đa số các cơ sở sản xuất ở Hà Nội đều nằm trong tình trạng chật hẹp, nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất. Cũng rất nhiều lần cán bộ thanh tra tiến hành xử phạt các cơ sở vì công nhân không mặc bảo hộ lao động theo quy định.

Quả thực, có đến tận nơi người tiêu dùng mới giật mình trước thực tế tại các cơ sở sản xuất nước sạch hiện nay. Ngoài trừ các hãng nước giải khát lớn đã có uy tín chịu đầu tư nhà xưởng và máy móc theo tiêu chuẩn, còn đại đa số các cơ sở sản xuất nước tinh khiết tư nhân đều nằm trong tình trạng tạm bợ trong một diện tích chật hẹp đến khó tin.

Ngay tại Xí nghiệp Nước uống tinh khiết Sapuwa (ngõ 189 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) - một thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường, toàn bộ cơ sở sản xuất cũng như hệ thống văn phòng đều nằm co cụm trên một diện tích chưa đầy 500m. Khi thấy đoàn cán bộ kiểm tra khoảng 10 người “ghé thăm”, lãnh đạo xí nghiệp này tỏ vẻ khá lúng túng bởi... không biết bố trí khách ngồi đâu. Ngay khoảnh sân nho nhỏ cũng được tận dụng để làm chỗ sửa chữa thiết bị đặt bình.

Một cán bộ thanh tra Sở Y tế cho hay, đây vẫn là cơ sở “khá” bởi có địa chỉ thật, dễ tìm, chứ không ít lần cán bộ kiểm tra phải tìm đứt hơi mới đến đúng nơi.

Vài chục triệu là có “công nghệ” sản xuất nước tinh khiết

Trái với khẳng định của ông Cường, phần lớn các cơ sở đều sử dụng nguồn nước máy, một cán bộ của Sapuwa khẳng định: Vì trong thành phần của nước máy có chứa clo gây cứng nước nên phải có thiết bị ion hoá (làm mềm) sẽ gây tốn kém, rất nhiều cơ sở chọn phương án dùng thẳng nước từ giếng khoan rồi xử lý bằng công nghệ khử khuẩn.

Vả lại, hệ thống máy móc này giá cả rất đa dạng, cao cấp thì vài trăm triệu, nhưng cũng có loại hệ thống chỉ có vài chục triệu mà cũng đầy đủ các công đoạn như khử trùng bằng cực tím, thẩm thấu ngược R.O... Vì thế, rất nhiều cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết nhỏ lẻ chỉ cần mua một vài thiết bị là có thể cung cấp ra thị trường loại nước uống “tinh khiết” như ai.

Về nguyên tắc quản lý, theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, cơ sở sử dụng nước giếng khoan hay nước máy vào sản xuất nước tinh khiết phải đáp ứng trên 40 chỉ tiêu: lý, hoá, vi sinh... Nhưng, theo tiết lộ của anh Nguyễn Viết Linh, Trưởng phòng kinh doanh - Xí nghiệp Nước tinh khiết Hà Nội Hapuwa (thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội, địa chỉ 461 Đội Cấn, quận Ba Đình): “Với những hệ thống kiểu xử lý nước rẻ tiền thì không mong gì nước sản xuất được đảm bảo. Ví dụ, cũng là máy khử khuẩn bằng cực tím, nhưng nếu là thiết bị không đảm bảo thì chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm. Nguy hiểm nhất là khuẩn Ecoli, luôn có sẵn trong nước giếng khoan, không được khử triệt để sẽ tồn tại trong nước “tinh khiết” rồi vào cơ thể người gây bệnh”.

Trước thực trạng bát nháo của thị trường nước uống đóng chai, bình hiện nay, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng những sản phẩm không có hoặc nhãn mác lập lờ.

Các chuyên gia sản xuất nước tinh khiết cũng khuyên người tiêu dùng không nên quá lạm dụng nước tinh khiết trong cuộc sống hàng ngày. Bởi loại nước này nếu đã được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thì hầu như không còn khoáng chất (vốn có trong nước thiên nhiên) tồn tại, mà chỉ là nước thuần khiết. Dùng kéo dài sẽ gây hiện tượng thiếu khoáng chất đối với cơ thể. Còn với các loại nước tinh khiết không được xử lý tốt thì rất dễ chứa những vi khuẩn gây hại, trong đó có Ecoli gây thương hàn hoặc trùng mủ xanh Pseudomonas aeruginosa - một loại vi trùng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, nhiễm trùng hệ thống hô hấp, suy yếu hệ thống miễn dịch...

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm